Tin Cộng Đồng
Bài tường trình dạng PDF
Chuyến từ thiện Việt Nam năm 2024
Một nhóm thành viên của Hội Từ Bi Phụng Sự và nhóm Youth của Hội vừa mới tham gia một chương trình từ thiện tại Việt Nam do Hội Từ Thiện Sakya (http://sakyacarefoundation.org) tổ chức. Chuyến từ thiện Y-Nha-Nhãn-Dược khoa phục vụ người Việt Nam từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7 năm 2024 vừa qua. Những vùng được phục vụ: Vĩnh Cửu - Đồng Nai, Đại Ninh - Lâm Đồng và Mũi Né - Bình Thuận.
Với 90 thiện nguyện viên đến từ Mỹ quốc và 40 thiện nguyện viên tại Việt Nam, nhóm từ thiện đã khám bệnh, làm siêu âm (OBGYN), EKG test, chữa trị, tặng quà và tặng mắt kiếng thuốc, mắt kiếng mát và dược liệu đủ loại cho 3000 người dân tại các vùng nêu trên (trong đó có các em cô nhi được chùa nuôi dưỡng và một số người mù). Phái đoàn đã khám bệnh và cúng dường cho 1500 tăng ni.
Trong nhóm thiện nguyện viên từ Mỹ quốc về có 9 thành viên Hội Từ Bi Phụng Sự và 8 em trong nhóm trẻ của CSS về cùng với 5 phụ huynh của các em.
Chúng tôi có dịp được tiếp xúc với vài chị hội viên vùng California tham dự lần đầu tiên và 1 chị tham dự lần thứ nhì. Bài viết dưới đây phát xuất từ các mẫu chuyện ngắn mà chúng tôi trau đổi sơ với các chị này.
Phái đoàn được ở trong các khách sạn 5 sao sang trọng và được vận chuyển trong các chiếc xe hành khách năm mươi mấy chỗ , còn thuốc men và vật dụng được chuyển vận bằng xe hàng. Lúc đầu các chị thắc mắc tại sao cần ở phòng ngủ sang trọng như vậy, tốn tiền uổng, nhưng sau khi bắt tay vào việc thì biết ngay nguyên do là vì các Thầy lo rằng phái đoàn bên Mỹ về khác múi giờ lại không quen với thời tiết nóng hầm mùa hè ở Việt Nam nên cố ý mướn chỗ như vậy. Mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng, ăn sáng và lên đường và thường là 6 giờ tối là xong việc, đi về phòng ngủ để ăn uống, giặt áo đồng phục rồi nghỉ ngơi. Nếu các thiện nguyện viên không ngủ được ngon giấc thì gần như chắc chắn ngày hôm sau không đủ sức và tỉnh táo để làm việc. Nơi chữa trị là chùa hoặc một địa điểm mượn được nên phần lớn chỉ là một phòng trống lớn với rất ít cửa sổ hoặc không có cửa sổ. Phòng chỉ có quạt máy nên rất nóng bức mà lại đông người ồn ào . Mỗi nhóm đến địa điểm mới thì lập tức chọn chỗ cho nhóm của mình và chuẩn bị vật liệu bàn ghế tiếp bệnh nhân. Vì phải mang mask và trong trường hợp nhóm nha khoa lại phải mang áo nylon và kiếng che mắt và mặt nên rất hầm. Đến sau buổi cơm trưa thì bắt đầu ngấm mệt. Bệnh nhân vào liên tục, các anh chị em phải thay phiên nhau nghỉ để ăn trưa. Ngày khám cho các cô nhi và người mù là ngày clinic bận rộn và náo động nhất.
Với điều kiện làm việc khó khăn như vậy nhưng cả phái đoàn thiện nguyện làm việc hài hoà, nhẹ nhàng và nhịp nhàng với nhau vì cùng có tâm niệm góp sức giúp người là chính. Vài thiện nguyện viên cho biết rằng họ cảm thấy rất may mắn được tham gia đoàn thiện nguyện này và chuyến đi này là một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Một chị cho biết rằng khi thấy các bạn thiện nguyện mồ hôi nhễ nhạy, mệt mỏi mà vẫn gắng sức, tuy nhiên lại rất nhẹ nhàng uyển chuyển, chị cảm thấy thật là khâm phục.
Một chị khác kể lại rằng:
“Nhìn các người đến khám bệnh, em cảm nhận họ rất được sự khó nhọc, vất vả kiếm sống để nuôi gia đình, sự mệt nhọc và nét đau khổ hằn lêntrên nét mặt của họ. Có người còn trẻ nhưng mặt của họ rất già. Họ không có điều kiện được đi bác sĩ khám sức khỏe định kỳ, nhất là khám răng nên phần lớn là phải nhổ và trám rất nhiều răng cho họ hoặc là răng của họ chỉ còn chân răng mà thôi. Có lẻ họ không có bàn chải và kem đánh răng để xử dụng hàng ngày. Có vài trường hợp phải nhổ gần mười cái răng cùng một lúc (chuyện không thể xẩy ra ở Mỹ quốc này). Có người thì mắt bị nhiễm trùng nặng, rất dễ dẫn đến mù mắt. Các em nhỏ cô nhi được chùa nuôi thì cho thấy rõ vẻ bị tổn thương tâm lý. Hầu hết các em chậm, có em còn không biết tên của mình.”
Nhận ra như vậy, chị cảm thấy mình có nhiều phước báo, được ở đất nước đầy đủ vật chất, cho dù chỉ là được chế độ chăm sóc sức khoẻ tối thiểu đi nữa, nhưng vẫn hơn những người khốn khó, bất hạnh đó: «Thầy dạy phải Xuất Tục Nhập Thế, khai mở tâm lượng, làm ống dẫn tình thương và nuôi lý tưởng nhập thế giúp người. Điều đó thôi thúc em tham dự chuyến đi này ngõ hầu làm được chút gì để đền đáp Ơn Trên. Bây giờ em không dám than vãn gì nữa vì cảm thấy mình sung sướng hơn rất nhiều người.»
Lời tâm sự của chị này khiến tôi nghĩ đến một người tôi tình cờ được gặp tháng trước. Cô này người Mỹ, lúc 17 tuổi thì có bầu, phải nghỉ học và lại dính vào vòng nghiện ngập. Cô không được phép nuôi dưỡng con của cô và cô đi cai thuốc vài lần nhưng lần nào cũng bị nghiện trở lại. Trước đây hai năm cô trở thành vô gia cư. Răng cô cũng hư rất nhiều đau nhức làm cô phải khóc lóc, xin thuốc đỡ đau. Nha sĩ quen khám dùm thì cho thuốc trụ sinh vì răng hư quá nặng, đau đớn nên chờ khi bớt đau sẽ phải nhổ và trám cũng cỡ chục cái răng. Tôi cảm thấy tội nghiệp và nghi rằng cô không có đánh răng nên tặng cho cô bàn chải cùng với kem đánh răng. Cô mừng rỡ vô cùng và đánh răng sáng và tối. Sau đó tôi tặng cho cô chai multivitamins vì nghĩ cô ăn không đủ dinh dưỡng thì cô cũng rất vui mừng nhận lấy. Cô nhày chỉ mới 27 tuổi nhưng gương mặt như người 40 tuổi.
Cô này, tuy ở đất nước giàu có nhưng cũng rơi vào tình trạng như các vị bên Việt Nam dù chúng ta có thể phê phán rằng hoàn cảnh này là do chính cô tạo ra. Tôi còn đọc báo thấy có nhiều người ở Mỹ nhưng gia thế không khá, phải làm bồi bàn nhà hàng lương rất ít. Các người này không có xe để chạy, phải xử dụng phương tiện vận chuyển công cộng (xe bus) và tiền họ kiếm được chỉ đủ trả tiền cư ngụ và ăn uống phải rất hà tiện, tính toán kỹ. Dĩ nhiên là những người này không có được chế độ chăm sóc sức khoẻ.
Các bạn thấy không, cái khổ có ở khắp mọi nơi và dưới nhiều hình dạng khác nhau. Khi chúng ta đi làm thiện nguyện mà nhận rõ được nỗi khổ của người là chúng ta ‘Thông’ hiểu được hoàn cảnh của người. Các bạn đọc có thể nghĩ là mình hiểu nhưng thực sự chỉ khi nào chúng ta gặp người, gặp việc thì việc hiểu bíết đó mới trở thành ‘thông’ hiểu vì nó chấn động tâm cang mình và mình có một cái nhìn mới. Như tôi có cái nhìn mới về những người vô gia cư và tôi tình nguyện nấu ăn cho họ (nấu ăn chay), cũng như nấu thức ăn nóng ngon lành cho các em trẻ foster child (mồ côi cha mẹ, hoặc cha mẹ không dược phép nuôi dưỡng em vì một lý do nào đó). Sâu hơn nữa là khi , chúng ta chẳng những thông hiểu lại có thể cảm nhận sâu sắc những cảm xúc của người có lúc đó như chính mình có cảm xúc đó, thì chúng ta đã ‘cảm thông’ được người đó. Cảm thông và tha thứ, chấp nhận là hai nền tảng dẫn đến tâm từ bi.
Xuất Tục Nhập Thế là mô hình rất hay: một mặt chúng ta tu thiền, tu pháp để tâm linh tiến hoá, tâm khai mở, trí sáng suốt, nhưng mặt khác thì chúng ta sống cuộc đời tích cực giúp người giúp đời để mở ra tâm từ bi hỉ xã. Trong quá trình giúp người thì làm sao mở tâm rộng hơn, thay đổi cái nhìn, vừa kết duyên lành, vừa tích phước, dưỡng đức, vừa áp dụng những triết lý thu thập được khi học Phật pháp. Nếu chỉ làm việc thiện mà thiếu phương diện tu luyện xuất tục (tu thiền và tu pháp) thì chúng ta khó mà thay đổi được cái nhìn, khó nhìn thấy được điểm mù, hoặc khó tiến hoá tâm linh dù rằng được nhiều phước. Cả hai phương diện xuất tục và nhập thế hổ trợ lẫn nhau liên hoàn. Ngoài ra, chúng ta lại phải cẩn thận, nên tránh để cái ‘tôi’ làm chủ và tự cảm nhận mình giỏi, hay, tốt lành và cảm thấy cần tự chứng minh.
Mong rằng bài tường trình đơn giãn này có thể gây hứng khởi cho các bạn muốn tu, muốn học và muốn giúp người được an vui . Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất, dễ làm nhất.
Nếu quý vị muốn liên lạc hay đóng góp tịnh tài cho hội Sakya Care Foundation, xin mời vào trang nhà sakyacare.org