Thay Đổi Lời Nói (2)
- CSS Staff Writers
- 21 thg 5
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 28 thg 5
Bộ Lạc Chủ Nghĩa (tiếp theo)

Đánh máy lại bài giảng thâu âm Dharma Espresso.
Good morning các bác các anh chị, đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay và hôm nay chúng ta nói tiếp về đề tài thay đổi cái nhìn, thay đổi lời nói.
Dạ thưa các bác, muốn thay đổi cuộc sống thì rõ ràng phải thay đổi các thói quen trong cuộc sống. Nhưng muốn thay đổi thói quen thì chúng ta cần có cái nhìn mới thì mới có thói quen mới được. Nhưng làm sao mình biết rằng, mình có thói quen mới? Tại vì lời nói của mình phản ảnh từ thói quen.
Do đó, nếu mình biết sửa đổi lời nói thì mình phải thay đổi cách nhìn, và thay đổi cách nhìn rồi thì sẽ thấy là mình thay đổi lời nói. Lời nói và cách nhìn thay đổi rồi, và càng nói đúng theo cách nhìn thì tự nhiên mình càng có niềm tin vào cách nhìn đó. Có niềm tin thì thường thường mình phải có thói quen mới và thế là từng bước, từng bước, mình thay đổi cuộc đời của mình.
Hôm qua, Thầy nói về thay đổi cái nhìn bộ lạc chủ nghĩa bởi vì đó là phần căn bản nhất. Sở dĩ mình cần thay đổi tại vì cái nhìn bộ lạc chủ nghĩa đóng khung và hạn chế mình vào những vũ trụ quan rất là nghẹt thở.
Khi nói “ô, tôi phải ăn mặn vì cả công ty tôi họ đều ăn mặn, uống rượu. Mỗi cuối tuần đi họp với nhau tôi phải ăn mặn, tôi phải uống rượu với họ vì đó là văn hóa của công ty của tôi”. Khi nói như thế thì tự nhiên mình bị kẹt trong văn hóa bộ lạc chủ nghĩa. Bộ lạc đó tức là office, tức là công ty của mình. Thì tự nhiên mình đóng khung, mình hạn hẹp. Thường thường mình bị kẹt trong những chủ nghĩa bộ lạc mà mình không hay, bởi vì nó hạn hẹp quá.
Nhưng khi mình nói “à, tôi có quyền tự do ăn uống và tôi sẽ quyết định ăn uống theo cái lối nhìn từ bi của tôi.” Thì tự nhiên mình sẽ không bị kẹt trong văn hóa đó, và không bị đóng khung trong văn hóa đó nữa, thưa các bác.
Có những chuyện nhỏ nhỏ như vậy, chỉ cần chúng ta thay đổi lời nói thôi là cái nhìn thay đổi và thay đổi cái nhìn thì mình sẽ thay đổi lời nói. Không cách gì chúng ta thay đổi cái nhìn mà không thay đổi lời nói được.
Một lời nói khác làm cho cái nhìn mình bị đóng khung, là mình dùng chữ bắt buộc, nhất định phải như thế thôi.
Một thí dụ rất dễ hiểu như thế này. Bác coi một phim xi nê xong, rồi thấy nó hay quá. Thì đáng lẽ bác nói cho bạn, “ô phim này rất hay, coi xong tôi rất thích thú. Thì mình không nói như thế mà nói là, “ô, phim này rất hay, mày phải coi phim này đi nha.” Thì tự nhiên mình tạo áp lực lên cho người bạn của mình.
Khi mình nói như bắt buộc người ta, mình tạo một áp lực mà không hề biết và không nghĩ rằng mình đang tạo áp lực gì cả. Nhưng khi người ta nghe câu mày phải đi coi nhe là người ta đã cảm nhận đó là áp lực. Và khi mình tạo áp lực cho người nghe, thì vô hình trung, mình biến mình thành kẻ ngồi trên mà mình không biết. Mình nghĩ là mình nói chơi thôi, nhưng mình không hề biết rằng đó là một lời nói của cái nhìn bộ lạc chủ nghĩa. Nó đóng khung mình, hạn chế mình cũng như là hạn chế người khác, làm cho người ta không được cảm giác tự tại.
Hoặc nhiều khi mình tới nhà hàng ăn một món ngon lắm. Đáng lẽ mình giới thiệu nhà hàng đó họ nấu nhiều đồ chay rất là ngon, “tôi vừa ăn rồi, tôi cảm thấy rất là ngon.” Mình nói như thế thì người ta cũng biết, cũng hiểu. Người ta sẽ hỏi địa chỉ, chừng nào người ta đi, thì đi. Nhưng mình nói “ồ, chị phải tới ăn chỗ đó mới biết được là ngon như thế nào. Phải đi ăn mới được nha”. Thì tự nhiên là mình tạo áp lực lên người kia.
Nhưng có những chuyện như những quy ước, quy luật chung trong cuộc sống, thì dù mình nói người ta phải thế này, phải thế kia, tuy người ta cảm thấy có áp lực, nhưng người ta chấp nhận rất dễ dàng.
Thí dụ như, nếu bác lái rất chậm trong một nơi rất là mau, người ngồi trên xe nói: “chị, chị đang ở trên làn xe (lane) chạy nhanh nhưng chị chạy hơi chậm đấy.” Nghe vậy mình tỉnh ngộ lập tức, “à, đúng rồi, thôi mình chạy nhanh lên đi, mình đang đi rất chậm.” Nhưng nếu người đó nói: “chị ơi chị, chị đang ở trong làn xe nhanh đấy mà chị chạy hơi chậm đó, chị phải đẩy lên, hoặc chị phải gia tốc.”
Mình nghe nhưng cái khó chịu của mình cũng ít thôi, không nhiều, bởi vì có quy ước chung rồi. Quy ước chung là quy luật sống, rằng lái trên làn xe nhanh thì mình phải chạy nhanh. Người ta nhắc nhở mình. Dù cho người ta có nói cái chữ phải đấy, nhưng khi nghe, mình cũng không giận dữ, cũng không thấy là người ta ngồi trên mình, mà chỉ thấy, chị này nhắc nhở mình, là điều cần thiết nên làm.
Hoặc khi các bác tu chung với nhau, và có quy ước phải tụng niệm, thí dụ như 100.000 biến câu chú Kim Cang Chử. Mình làm biếng thì người bạn đồng tu với mình nói, “chị phải tụng một ngày một ngàn biến nhe.” Mình nghe cái chữ phải nhưng mình không cảm thấy như một sự bắt buộc, ép buộc, hay là một cái áp lực trên mình, tại vì đã có quy ước chung là sẽ cùng tu tập 100.000 biến mà, cho nên chị này chỉ nhắc nhở mình. Lời nhắc nhở đó không được coi là một hình thức của sự ép buộc, sự bắt buộc.
Nhưng những chuyện không có quy luật chung, không có quy ước chung với nhau, thì mình nên cẩn thận trong lời nói vì nó có thể tạo áp lực, làm cho người nghe rất khó chịu.
Thí dụ như mình có lập quy ước chung với con mình là mỗi tuần, nó dọn dẹp phòng, quét nhà như thế nào, v. v.... Mình có thể nhắc nhở nó, “còn một ngày nữa là hết tuần rồi, con nhớ giặc áo quần, chùi nhà, làm sạch sẽ phòng con nha.” Nếu mình có quy ước chung rồi mình nhắc nhở như vậy, nó không ghét mình. Nhưng mới ngày đầu tiên trong tuần, mình nói “con lo dọn dẹp cho sạch sẽ nha. Con phải làm thế này, con phải làm thế kia...” thì con lại ghét mình. Tại vì có quy ước chung đấy, nhưng nó chưa có thời gian để thực hiện. Mới ngày đầu trong tuần thôi, mà mình đã tạo áp lực bằng cách nhắc nhở như vậy.
Vì thế, vấn đề là dùng lời nói như thế nào mà không tạo áp lực, chỉ là lời nhắc nhở, cung cấp thông tin cho người khác thôi, thì người ta sẽ cảm thấy không bị ép buộc và không cảm thấy nghẹt thở. Nhiều khi trong đời sống, có những cái nghẹt thở vô cùng bởi vì mình có những lời nói khiến cho người ta cảm thấy áp lực rất lớn. Mình là người nói thì không cảm thấy nhưng người nghe thì họ cảm thấy bị áp lực.
Điều cần thiết là làm sao nhận ra được, lắng nghe được lời nói của mình để tránh tạo áp lực, tránh tạo sự ép buộc để người nghe không cảm thấy quá nặng nề. Họ cảm thấy rằng đó là một lời nhắc nhở đầy thương yêu, chứ không phải chúng ta tạo nên áp lực. Thông thường chúng ta không nhận ra những áp lực chính mình tạo ra, chỉ có người nghe họ mới cảm nhận được.
Vì thế chúng ta nên phản tỉnh mỗi ngày và đặt câu hỏi cho chính mình là những lời nói của mình có tạo áp lực cho người khác không? Vì chúng ta rất dễ gây ra áp lực qua lời nói.
Nhiều khi chúng ta tổn hại tới người khác mà không hề biết. Khi đó, hay nhất là mình nên xin lỗi người ta. Và từ từ, mình thay đổi lời nói để người ta cảm thấy không còn áp lực nữa. Nhiều khi các bác cảm thấy rằng cuộc sống của mình có vẻ dễ chịu, nhưng không ngờ rằng cách mình nói năng không làm người khác dễ chịu. Mình cứ nghĩ là mình dễ thương nhưng người nghe, họ không thấy mình dễ thương. Thế mới khổ chứ. Bởi vậy chúng ta nên không ngừng nổ lực thay đổi lời nói để cho người nghe, họ cảm kích lời mình nói ra cho họ, họ không cảm thấy bị bắt buộc, bị áp lực và không cảm thấy là mình ngồi trên mà nói xuống.
Cảm ơn các bác đã lắng nghe và chúc các bác một ngày yên lành.
Comments