Thay đổi lời nói (1)
- CSS Staff Writers
- 13 thg 5
- 9 phút đọc
Đã cập nhật: 21 thg 5
Cái Nhìn Bộ Lạc

Good morning các bác, các anh chị!
Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay và Thầy sẽ bắt đầu một loạt bài mới, về cách thay đổi cái nhìn.
Muốn thay đổi cái nhìn, thì mình phải thay đổi thói quen, cách mình sử thế, cách mình đối đãi với mọi người, cách mình đối đãi với chính mình, cách mình sống lúc mình yên lặng một mình, và cách mình sống với tất cả mọi người. Muốn thay đổi những thái độ và nề nếp cuộc sống của mình thì mình phải thay đổi cái nhìn.
Nhiều khi chúng ta đọc sách báo, thấy những quan điểm mới, cái nhìn mình mở ra đấy, nhưng mà sau khi bỏ sách xuống, nhiều khi mình lại rơi vào trong những thói quen cũ mà chính mình không nhận ra.
Làm sao để ra khỏi thói quen củ? Mình phải nhận định cái cách nói năng của thói quen củ. Hãy lắng nghe lời nói của mình. Khi mình thay đổi cách nói năng, thì từ từ, mình thay đổi cái nhìn và do đó mình sẽ thay đổi luôn lối sống, nề nếp sống và cuối cùng là thói quen sống của mình. Chúng ta sẽ từ từ xây dựng một thói quen mới.
Bởi thế, loạt bài này nói về sự thay đổi cái nhìn bằng cách thay đổi lời nói.
Có rất nhiều thứ để thay đổi trong lời nói của mình, nhưng nên thay đổi đầu tiên cả là những lời nói có tính cách bộ lạc vì dễ nhận thấy nhất.
Bộ lạc chủ nghĩa là gì? Một bộ lạc là một nhóm nhỏ, một làng nhỏ, một công sở, một tổ chức hay một hội, một cái gì mà mình đồng hoá mình với. Bộ lạc chủ nghĩa thì chia ra người trong bộ lạc và người ngoài bộ lạc. Khi nói chuyện với tính cách bộ lạc chủ nghĩa thì người không cùng bộ lạc với mình dễ phản cảm khi nghe mình nói. Vì thế chúng ta nên cẩn thận.
Những thí dụ về lời nói bộ lạc chủ nghĩa như sau:
Thầy nói: Oh! tôi dân Huế, tôi nói chuyện không ai hiểu cả. Lúc đầu các bác thấy câu đó có vẻ khiêm nhường và có vẻ như nói chơi, nhưng mà từ từ nó làm cho Thầy sẽ cảm thấy rằng, mình bị cô lập, tại người ta không hiểu được lời nói của mình. Cho nên, Thầy phải ngừng lại, không thể nói, oh tôi là người Huế, tôi nói người ta không hiểu. Nhiều khi Thầy chỉ cần nói như thế này. Oh tôi nói không rõ ràng, người ta không hiểu, tôi nói nhanh quá, người ta không hiểu. Như thế, Thầy tránh được cái bộ lạc chủ nghĩa ‘tôi là người Huế’.
Có người thì nói: Oh, bài này dễ hát, tôi thuộc nhóm ca đoàn này, ca đoàn kia. Người nghe dễ cảm thấy khó chịu, không cảm thấy gần gũi với mình, tại vì họ nghĩ, ủa! chị nghĩ chị là thành viên của ca đoàn là chị ngon lắm hay sao! Cho nên thay vì nói: Tôi thuộc nhóm ca đoàn xxx, thì mình chỉ nói: Tôi đã từng hát, nói như vậy thì nó hay hơn.
Nhiều khi mình khoe: Tui học trường này, tui học trường nọ, cái trường danh tiếng như thế này thế nọ. Người ta không hỏi tới, nhưng mà mình tự xưng ra tôi học trường đại học này, tôi học trường đại học kia, tôi có bằng này, tôi có bằng kia, tôi là tiến sĩ về môn nghệ thuật này nghệ thuật kia. Nói như vậy, bộ lạc của mình là bộ lạc của những vị tiến sĩ, do đó người ta cảm thấy bị lép vế, giống như mình cao hơn người ta vậy, mình ngạo mạn.
Có người nói: Ồ! dạ con ngủ trễ quen rồi, gia đình con ai cũng ngủ trễ cả. Và làm điệu bộ giống như thử là gia đình mình là gì quan trọng lắm. Gia đình con ai cũng không có cần đi làm việc, cha mẹ con nhiều nhà (ý nói rằng, con nhà giàu đó, nhà đại gia, ngủ trễ, không phải dậy sớm, làm việc cực khổ). Nhưng mà với cách nói đó thì người ta cảm nhận thấy rằng, đừng có động tới, là con nhà giàu đó. Và mình cảm thấy là mình không thay đổi được quan điểm của người này, họ ngủ trễ vì họ là người nhà giàu, họ không cần làm việc, có tiền nhiều.
Các bác thấy không, tự nhiên mình làm người ta mất cảm tình. Mình kẹt trong cái bộ lạc chủ nghĩa, khi mình nói như vậy. Dù là nói bóng, nói gió hay là nói chính xác cũng vậy, cũng làm cho người ta cảm thấy mình thuộc một cái nhóm nào đó và họ khó mà nói chuyện với mình được.
Hoặc nhiều khi mình tự ca ngợi mình, tôi thuộc về típ người không bao giờ nói dối. Té ra có cái típ người như vậy à! mình thuộc típ đó à! tức là mình thuộc cái bộ lạc những người không biết nói dối. Ghê thế đó. Hoặc có người nói: Tánh tôi thẳng thắn lắm, thấy cái gì không đúng là tôi phê bình ngay. Người ta nghe, tự nhiên cảm thấy khó chịu, mà không hiểu tại sao!
Khi chúng ta nghe những điều như vậy thì cảm thấy giống như họ có một bức tường chặn lại, mình không dám nói gì khác.
Có những người rất là dễ thương, nhẹ nhàng, lúc nào cũng cười nói, nhưng đến khi mà họ phát biểu ra, thì mình thấy cái chỗ cứng rắng của họ là trong cái bộ lạc chủ nghĩa. Họ nói những câu như là, nếu tôi không làm thì thôi, tôi làm, là làm cho thiệt là tốt, thiệt là giỏi, tôi thuộc cái dạng như vậy, tôi không thể nào chịu nổi việc làm bê bối.
Nếu mà họ chỉ nói, ‘tôi sẽ cố gắng, tôi sẽ nỗ lực làm’, thì hay hơn. Nhưng khi họ nói câu, tôi thuộc dạng người đó, thì tự nhiên người nghe thấy dội ra liền, không nói chuyện với họ được nữa và có chút phản cảm. Nhưng nếu họ nói, ‘tôi thích làm rất tốt và khi tôi làm, tôi sẽ hết lòng.’ Chỉ nói như vậy thì mình cảm thấy có cảm tình hơn.
Chỉ thay đổi chút chút thôi, nhưng cách nói đó ra khỏi cái bộ lạc chủ nghĩa.
Thầy hỏi, ô! tại sao mà anh chưa ăn chay?
Oh! dạ thưa Thầy, con làm việc trong sở, nhiều khi phải đi ra ngoài với bạn bè và những người làm business, nên con phải ăn mặn, chứ con không thể nào không ăn mặn được. Phải ăn mặn, để hòa đồng với người ta.
Các bác nghe câu đó thường lắm, nhưng mà các bác đâu biết rằng câu đó đồng hóa mình với cái bộ lạc của những người làm việc, là những người làm trong sở, office workers hoặc là làm boss. Nói chung, mình đồng hóa mình với một nhóm người nào đó. Chứ không phải rằng cá tánh của mình là còn thích ăn mặn.
Nhưng mà nếu mình nói thế này, dạ, con chưa biết về chuyện ăn chay này, nên con ăn mặn. Nếu nói như vậy thì người ta sẽ thấy, Ô! còn có cái không gian để có thể nói chuyện được, nhưng mà khi mình nói: Không! con làm việc với cái nhóm người như vậy, con theo trong sở, con phải ăn mặn thôi, không thể nào ăn chay khác người ta được. Tức là khẳng định mình thuộc vào bộ lạc của những người làm việc, vì thuộc cái bộ lạc đó, mình không thể ra ngoài cái bộ lạc được, mình bị đóng khung trong bộ lạc, mình tạo một áp lực cho người nghe, làm cho người nghe không thể nào nói tiếp hơn hay là muốn tiếp lời cũng không được, không làm được gì hơn cả và câu chuyện ngưng tại đó và người ta thấy nghẹt thở, cảm thấy mình không muốn nói thêm nữa.
Khi nói những câu có tính chất bộ lạc chủ nghĩa đó, thì thật sự là tự họ đóng khung, tự hạn chế và tự chấp nhận cái vũ trụ quan nhỏ hẹp và không muốn thay đổi. Tôi làm việc trong công sở, cho nên tôi phải ăn mặn khi tiếp xúc với khách. Ô! tôi chơi với những người nhà giàu, họ mời tôi uống rượu, cho nên tôi phải uống rượu. Các bác nghe câu đó thường lắm, nhưng mà các bác đâu có hiểu rằng nó biểu đạt bộ lạc chủ nghiã. Tôi thích ăn chay nhưng phải nấu ăn cho chồng mà ông ăn mặn. Tức là mình thuộc cái bộ lạc chấp nhận chuyện trọng nam khinh nữ, chấp nhận là ông chồng trên hết. Có thể là ông chồng không có thời giờ nấu ăn, cho nên mình phải nấu cung phụng cho ông. Hoặc là phải chấp nhận ở trong cái bộ lạc, rằng không nên nói cái gì cả, chồng nói cái gì thì mình làm theo cái đó. Hoặc có thể là thuộc bộ lạc ‘hài hoà’ và không muốn cãi lộn với chồng, chồng muốn ăn cái gì thì mình nấu cho chồng. Mình tự nấu chay cho mình ăn. Ông chồng không chịu thay đổi đâu. Không thể có chuyện bình đẳng, chồng nói là mình phải làm theo và mình không thể cãi lại ý được, mình ở trong cái vị trí là phục tùng.
Để ra khỏi cái bộ lạc chủ nghĩa thì mình nên nói như thế này: Tôi biết chuyện ăn chay là tốt, nhưng tôi chưa nấu ăn chay, bây giờ tôi vẫn nấu ăn mặn vì chồng tôi yêu cầu và chồng tôi cần tôi nấu. Nhưng mà tôi chưa có cơ hội để giãi bày về chuyện ăn chay, hay là lợi ích việc ăn chay cho chồng. Có nhiều khi nói cũng không phải là dễ nói, dễ cảm thông. Tôi có cái khó khăn đó.
Nói như vậy , người nghe họ cảm phục, thấy rằng chị đúng là hiểu đạo lý tuy nhiên có gặp chút khó khăn và rõ ràng là chị đang muốn tiến bộ. Tức là mình thấy người này có thể nói chuyện về ăn chay.
Vì thế, nếu mà mình thay đổi cách nói chuyện một chút, thì sẽ mở ra nhiều khả năng, nhiều chọn lựa khác hơn và nhiều khi chồng mình cũng sẵn sàng muốn ăn chay chứ không phải là không muốn. Có khi ông biểu đạt thái độ chống đối vì lý do khác. Có khi là người chồng sẵn sàng ăn chay đó, nhưng tại vì mình có thành kiến và thành kiến đó tạo thành bộ lạc chủ nghĩa.
Do đó, mình không nên tự cột mình trong bộ lạc chủ nghĩa thì tự nhiên là sẽ dễ dàng cảm thông và mở ra rất nhiều cơ hội hay những khả năng mới, giúp cuộc sống của mình được thêm hài hòa, thêm cảm thông.
Khi mình tự cột mình trong bộ lạc chủ nghĩa, tự đóng khung, tự hạn chế mình, thì mình có vũ trụ quan rất là nghẹt thở, lúc nào cũng tự dồn mình vào chỗ phải bó tay, không làm được gì khác.
Chúng tôi ở trong cái nhóm này, tôi làm theo cái nhóm này, tôi không làm theo cái nhóm kia được, tôi không làm theo người khác được, vì tôi ở trong cái triết lý này, cái nhóm này.
Đạo phật hiện nay là đạo phật khiến cho chúng ta khai mở tiềm năng, khai mở trí huệ, nhận biết được những hạn chế của mình.
Chúng ta không nên duy trì đạo Phật phong kiến, tức là mình trong lòng có nhiều điều đau khổ, mình có nhiều hạn chế mà mình không biết làm sao hóa giải những đau khổ, làm sao thoát ra những hạn chế. Chúng ta không cần tranh đấu với ai cả, mà chỉ cần thay đổi cái bộ lạc chủ nghĩa, mở nó ra cho mình có cái khung trời nhẹ nhàng, dễ thở và mình sẵn sàng có những cuộc đối thoại nhẹ nhàng hơn với những người khác quan điểm.
Đây chính là cái gút của bài này. Bộ lạc chủ nghĩa làm cho mình và người nghe không thể chấp nhận lẫn nhau, vì trong bộ lạc chủ nghĩa thì mình giữ mãi một cái thành kiến, một quan điểm về cái bồ lạc đó và mình không thể chấp nhận quan điểm của người khác, của một nhóm khác không cùng bộ lạc.
Sự cảm thông rất là quan trọng. Khi chúng ta ra khỏi bộ lạc chủ nghĩa, mình sẽ có cái khả năng cảm thông hơn và có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng, không làm tổn hại quan hệ của mình với người khác.
Cảm ơn các bác đã lắng nghe và chúc các bác một ngày yên lành.
Comments