Phái đoàn CSS tại phi trường Taipei
Sau nhiều ngày chuẩn bị, các nhóm Từ Bi Phụng Sự từ khắp thế giới đã tề tựu tại phi trường Taipei sáng ngày 10 tháng 10 năm 2024 để tham dự Mandala tại thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), nơi có trụ sở của hội Từ Bi Phụng Sự chi nhánh Đài Loan. Đây là lần thứ nhì hội Từ Bi Phụng Sự Đài Loan tổ chức Mandala nhưng là lần đầu tiên có chương trình Xuất Gia Vị Tha cho người Đài Loan.
Chuyến hành hương này có hai mục đích chính rất quan trọng:
1- Ủng hộ Mandala Taiwan.
2- Đảnh lễ Thánh tượng của Hoà Thượng Tuyên Hoá.
Đúng 8 giờ sáng, 3 chiếc xe bus chở khoảng 120 thành viên và gia đình rời phi trường Taipei, đến thành phố Taichung. Chiều ngày 10 tháng 10 chúng tôi lại tiếp tục cuộc nam tiến và trực chỉ về hướng Từ Bi Đạo Tràng tại thành phố Tainan.
Viếng Thăm Từ Bi Đạo Tràng
Khoảng 4pm, xe bus dừng lại dưới chân đồi Từ Bi Đạo Tràng. Tại đây, Thầy đã chờ sẵn và chân thành chào mừng từng thành viên một. Chúng tôi rất cảm động. Những bác lớn tuổi được xe đưa lên, Thầy cùng những người còn lại đi bộ lên đạo tràng.
Sau khi phái đoàn đến đông đủ, Thầy giải thích sơ qua diễn tiến lịch sử và những khó khăn ban đầu, lúc xây dựng đạo tràng. Sau đó, Thầy hướng dẫn phái đoàn đến thăm Thánh tượng của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Tượng ngài được đặt uy nghi, hướng về hồ nước trong xanh, thật hùng vĩ với rừng cây xanh rì. Phong cảnh như một bức tranh thủy mạc, khiến người thưởng ngoạn cảm thấy tâm hồn bình an và tự tại.
Lần đầu tiên khi Hòa Thượng Tuyên Hóa tới Taiwan năm 1988, có rất nhiều tín đồ sùng bái Hoà Thượng, cả trăm ngàn người tới nghe Ngài giảng tại quảng trường Trung Chính, Taipei. Sau đó, Ngài thường thăm viếng Đài Loan, và các đệ tử của Ngài có kiến lập một đạo tràng ở Hoa Liên. Tuy nhiên, chỉ có đạo tràng Từ Bi ở Taiwan mới có thánh tượng của Ngài. Vì sao chúng ta kiến lập thánh tượng của Ngài? Vì thánh tượng của chư Phật, Bồ Tát luôn đại biểu cho bản thân các Ngài. Bởi thế, tới đảnh lễ Thánh Tượng thì chẳng khác gì lễ lạy Hoà Thượng. Mà Ngài đã từng phát nguyện rằng “ Hễ ai có lòng tin lễ lạy ta, tất cả mong ước của người đó đều được thành tựu”.
Thầy mong phái đoàn chúng ta không quên điều này nên ai cũng thành tâm đảnh lễ. Nhất là các bác bị bệnh, gặp khó khăn, nghiệp chướng triền thân, các bác thành tâm lễ lạy Ngài để bệnh hoạn, nghiệp chướng, khó khăn đều được tiêu trừ.
Sau bữa ăn tối, Thầy giới thiệu ban điều hành của CSS – Đài Loan. Bà trưởng nhóm Lin Chie Pi đã nói lời chào mừng chúng tôi.
Từ Bi Đạo Tràng, giữa phong cảnh thiên nhiên thanh tịnh, còn có 8 căn phòng rất khang trang để thành viên CSS đến nhập thất.
Các phòng nhập thất
Thỉnh Thánh
Sáng ngày 11 tháng 10, dưới sự hướng dẫn của Thầy, phái đoàn cùng đi làm lễ thỉnh Thánh, tức là cung thỉnh Hòa Thượng Tuyên Hóa về tham dự Mandala. Vì có khá nhiều các bác cao niên nên thay vì Tam Bộ Nhất Bái, Thầy từ bi cho các bác đi ba bước, vái một bước, không phải quỳ để việc thỉnh thánh được dễ dàng hơn cho các bác.
Khoảng 8 giờ sáng, phái đoàn tới tượng của Hòa Thượng. Lễ cung thỉnh ngài bắt đầu bằng Tam Quy Y và tiếp theo là tụng chú Vãng Sanh. Sau đó các đệ tử thay phiên cúng dường ngài những bài kinh kệ như: Hải Ấn Tam Muội, Chú Lăng Nghiêm, bài nguyện tu theo ngài Hiền Thủ, bài Trầm Hương Đốt, v.v….
Để kết thúc, Thầy hướng dẫn nhóm đến viếng cây cổ thụ 400 năm. Cây cổ thụ này đã được Thầy cứu bằng cách mua miếng đất quanh đó gồm cả trăm mẫu để ngăn chặn một nhóm người tính cưa cây đi bán. Trước khi rời cây cổ thụ 400 năm này, chúng tôi đã lan tỏa tình thương bằng câu chú Cam Lồ để cây tiếp tục sống mạnh mẽ.
Nhóm CSS chụp hình trước cây cổ thụ 400 năm
Taiwan Mandala 2024
Chúng tôi rời Từ Bi Đạo Tràng chiều ngày 11 tháng 10 để đến thành phố Cao Hùng, nơi Mandala được tổ chức. Đây là thành phố lớn thứ ba tại Đài Loan, với dân số khoảng 2.7 triệu, được mệnh danh là “Thủ Đô Hải Cảng” vì có những hải cảng lớn, sầm uất nhất thế giới.
Năm nay, Mandala Đài Loan được tổ chức tại LingYa Sports Center. Mandala còn được gọi là Đàn Tràng hay Giới Đàn, là nơi hội tụ của chư Phật, chư Bồ Tát. Trong những Mandala do hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức vừa qua, có năm chúng ta mời đức Phật, có năm chúng ta mời Bồ Tát Quán Thế Âm làm pháp chủ. Đức Phật hay Bồ Tát ngự tại trung tâm (vòng tròn chính giữa), đây chính là căn nhà tâm linh, nhà của chư Phật. Sự mầu nhiệm là chúng ta, các chúng sinh cùng bước vào đồng tu tập với các ngài.
Bao quanh vòng tròn nhỏ là 5 hình vuông, tượng trưng cho 5 vòng của phàm phu: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, là 5 căn nhà chúng sinh ở tạm. Nhờ Mandala, chúng ta nhận thức được đó là những căn nhà tạm để đừng dừng trụ ở đó mà đi về căn nhà Thường Trụ của Phật. Cho mỗi vong linh, Sắc ấm của họ được tượng trưng bằng một bài vị. Những bài vị đó được hướng dẫn đi xuyên qua 5 căn nhà trọ để cuối cùng, được đặt dưới chân Phật. Hào quang của Phật, Bồ Tát, như một trục ánh sáng phóng lên cao, nương theo ánh sáng đó, họ sẽ giải thoát.
Kaohsiung LyngYa Sports Center
Chương trình bắt đầu lúc 9 giờ sáng ngày 12 tháng 10 bằng lễ Sái Tịnh. Sau đó, Thầy giới thiệu về ý nghĩa Mandala cho tăng đoàn và đại chúng. Để hỗ trợ sức mạnh cộng hưởng cho Mandala, năm nay, lần đầu tiên có 50 người Đài Loan xuất gia đoản kỳ. Đây là một bước tiến quan trọng cho hội Từ Bi Phụng Sự.
Lễ Sái Tịnh Thầy Hằng Trường giảng pháp cho tăng đoàn cùng đại chúng
Trong chuyến hành hương này, chúng tôi thật may mắn được chứng kiến hai sự kiện quan trọng. Đây có lẽ là một chuyển đổi trong mô hình Mandala.
Sự kiện thứ nhất: Thầy đã biên soạn các giai điệu âm nhạc trong việc tụng chú Cam Lồ, chú Bảo Tráp, Tứ Liên Hoa và Thiên Diệp Bảo Liên. Khi tụng, đại chúng và vong linh sẽ cảm nhận được trạng thái thanh thoát, hầu có thể vượt qua 5 căn nhà tạm bợ để bước vào con đường giải thoát.
Sự kiện thứ hai: nghệ thuật dàn dựng ánh sáng thật tinh vi hầu giúp đại chúng và vong linh quán tưởng được hạt giống quang minh và trục ánh sáng của Chư Phật, giúp chúng ta dựa vào đó mà bước vào nhà Phật.
Hình lưu niệm sau khi Mạn Đà La kết thúc
Phỏng Vấn
Nhân dịp này, ban biên tập có làm một cuộc phỏng vấn nhỏ với Khai Nghiêm và một Sa Di Ni trong tăng đoàn Xuất Gia Vị Tha (XGVT) Đài Loan.
Ban biên tập: Xin Khai Nghiêm cho biết có sự khác biệt nào giữa tăng đoàn XGVT tại Hoa Kỳ và tăng đoàn XGVT tại Đài Loan?
Khai Nghiêm: Khai Nghiêm không thấy sự khác biệt nào, đều là những người đã hy sinh 10 ngày trong một năm để xuất gia cho người thân. Tất cả đều đến từ tấm lòng vị tha, cùng một động lực và mục đích. Chương trình xuất gia của 2 tăng đoàn đều giống nhau. Phần lớn đều cảm thấy khó khăn trong vài ngày đầu vì đây là một chấn động lớn trong việc tu hành. Mục đích chính của chương trình là giúp từng người thay đổi, vượt qua tầng tâm thức mới; từ tâm thức Vị Ngã để đến tâm thức Vị Tha. Đây là điều quan trọng người XGVT nên nhận biết.
Ban biên tập: Vài ngày nữa những Sa di và Sa di ni Đài Loan sẽ xả giới và trở lại nhập thế. Khai Nghiêm có lời khuyên nào cho họ không?
Khai Nghiêm: Có. “Trong 10 ngày qua, nếu bạn thực tu, sống trong tinh thần vị tha, trái tim của bạn ắt hẳn đã nhận được những cảm xúc sâu đậm và ấm áp. Đây là dấu hiệu Bồ Đề Tâm của bạn đang lớn mạnh. Nếu bạn giữ được cảm xúc này suốt năm, chắc chắn bạn sẽ trở lại tăng đoàn trong kỳ xuất gia tới để tiếp tục nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm của mình.”
Người kế tiếp chúng tôi phỏng vấn là cô Hui Chun Yu. Cô đến từ thành phố Hualien để tham dự XGVT.
Ban Biên Tập: Xin cô cho biết cảm tưởng của cô khi tham gia tăng đoàn XGVT.
Cô Hui Chun Yu: Đây là lần đầu tôi xuất gia. Những ngày đầu, tôi cảm thấy rất khó khăn vì tôi là người thích sống một mình. Tôi đã phải học hỏi cách thích nghi, sống vui vẻ và hòa hợp với tăng đoàn. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi cảm thấy rất yêu mến đời sống tăng đoàn. Tôi đã học hỏi được rất nhiều trong những ngày này. Nếu hội TBPS có tổ chức XGVT trong những năm tới, tôi sẵn sàng tham dự hết lòng.
Ban Biên Tập: Xin cô cho biết đã học hỏi được những gì?
Cô Hui Chun Yu: Tôi đã được học nhiều về Phật Pháp từ Thầy Hằng Trường; cách truyền bá tình thương đến những người xung quanh; cách trở thành một người tốt; cách sống vui vẻ và chấp nhận những gì xẩy đến cho mình. Tôi đã trở thành một người mới, từ tâm đến thân.
Ban biên tập xin cám ơn Khai Nghiêm và cô Hui Chun Yu đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
Chúng con xin chân thành tri ơn Sư Phụ và các anh chị em trong ban tổ chức Mandala Taiwan và chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa này đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm chúng con.
Với trí huệ sáng suốt, tâm từ bi và phương tiện biến hóa thiện xảo không ngừng của Sư Phụ đã giúp chúng con tiến bước vững chãi hơn trên đường tu, tuy nhiều chông gai nhưng đầy hứng thú, nhiệm mầu, khiến tâm thức chúng con tăng trưởng, niềm tin được bồi dưỡng, giúp tâm bồ đề của chúng con không ngừng lan tỏa và mạng lưới nhân duyên không ngừng khai mở.
Vạn lời nói không bằng một niệm, kính chúc Sư Phụ và các anh chị em thân luôn khỏe, tâm luôn an.
Cuối cùng, xin cám ơn ban tổ chức đã giúp cho Taiwan Mandala 2024 được thành công và chuyến hành hương được đầy ý nghĩa.
Ban tổ chức Pháp Hội 2024 Mandala Taiwan gồm có:
• Lin Chie Pi – Chủ tịch CSS-TW & Trưởng ban tổ chức.
• Moi Tzu - Phụ trách hội trường và đàn tràng Mandala.
• Stella – Điều hành cung cấp pháp bảo và Phật cụ.
• Khai-Nghiêm – Điều hành tăng đoàn XGVT.
• Rachel & Eric –Tổ chức thăm viếng Phật Quang Sơn.
Chuyến hành hương Mandala Taiwan chấm dứt vào này 10/21.
Ban tổ chức chuyến hành hương gồm có:
• Ben Chen làm việc trực tiếp với các dịch vụ du lịch trong nội địa Taiwan để sắp xếp hành trình, chuyên chở, khách sạn và các buổi dùng cơm.
• Diana Tạ phối hợp với Ben Chen giúp hội viên ghi danh, chia nhóm và sắp xếp chỗ ăn ngủ trong suốt chuyến hành hương.
• Phụng Bành, lo việc tài chánh.
• Minh-Ân, đại diện cho phái đoàn CSS toàn thế giới đến tham dự Pháp Hội.
Nhóm hành hương, 120 người được chia làm 3 xe với các trưởng nhóm:
• Bus A – Chính-Tín và Ngọc-Chiêu
• Bus B – Nhi Dương và Thu-Hà
• Bus C – Minh-Ân và Bích-Thủy
Comments