Tâm Thức Dạy Đạo
- CSS Staff Writers
- 28 thg 5
- 11 phút đọc

Good morning các bác, các anh chị. Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay. Xin ánh bình minh đón chào các bác một ngày mới, yên lành.
Thưa các bác, bài trước, mình nói tới Phật giáo có phải là tín ngưỡng hay không? Phật giáo có phải là tôn giáo hay không?
Hôm nay, Thầy xin nói tới bản chất của Phật giáo.
Thời nhà Tùy bên Trung Quốc, có một vị tên là Trí Giả Đại Sư. Ngài nghiên cứu giáo nghĩa của đức phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy và ngài chia làm ngũ thời bát giáo. Đây là cách phân tích theo quan điểm của Tông Pháp Hoa về giáo pháp của đức Phật. Lý luận của cách phân chia này rất chính xác.
Ngủ thời là 5 thời:
Thời đầu tiên là Hoa Nghiêm. Đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày. Đức Phật giảng triết lý kinh Hoa Nghiêm, hay đúng ra là diễn giải cảnh giới nội chứng của ngài.
Sau đó thì ngài mới nhập thế và dạy Khổ Tập Diệt Đạo, gọi là thời giảng pháp A hàm, mất 12 năm.
Tức là căn cơ của chúng sinh thời đó họ không thể nghe kinh Hoa Nghiêm được, hay là lúc đó pháp của Hoa Nghiêm chỉ thích hợp cho các vị bồ tát, đại bồ tát trên cao thôi. Sau 21 ngày (thời Hoa Nghiêm), đức Phật xuống lại trần thế này và nhận thấy rằng đầu tiên, ngài phải dạy cho người ta bản chất của sự sống. Cuộc sống ở trần gian này lúc nào cũng đầy những gút thắt mà ngài đặt tên là Khổ (Dukkha). Chúng ta gọi là gút thắt bởi vì mình nhìn từ quan điểm Hoa Nghiêm. Nếu không, thì mình gọi đó là những nỗi đau khổ, những chuyện xảy ra trái với ý mình. Tập là nguyên nhân của đau khổ. Diệt là cảnh giới chấm dứt các đau khổ tức là niết bàn và Đạo là con đường dẫn tới sự chấm dứt đau khổ đó. Đức Phật mất 12 năm để giảng về Khổ Tập Diệt Đạo.
Sau đó có rất nhiều người tiến hoá, và đương nhiên là giáo pháp của ngài cũng tiến hoá và ngài giảng Phương Đẳng trong 8 năm.
Phương Đẳng là mở rộng con tim của mình ra. Không phải là chỉ biết nỗi khổ của chính mình thôi, mà bắt đầu thấy được nỗi khổ của chúng sinh, rồi thấy được phương cách làm sao cho chúng sinh vơi diệu nỗi khổ để có cuộc sống yên lành hơn. Giáo pháp mở rộng ra để thấy được rằng ngoài chuyện mình phải lánh xa đời, thì nhiều khi mình phải làm cho con tim mình rộng mở hơn, có khả năng bao dung được người khác, cho nên gọi là Phương Đẳng.
Phương nghĩa là rộng rãi và Đẳng là phải nhìn tất cả chúng sinh một cách khác hơn, không thể bỏ chúng sinh được. Cho nên Phương Đẳng là một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng trong Phật giáo, khi người tu thấy rằng mình không thể nào đi lên núi, tu một mình được, mà mình phải mở rộng tấm lòng để khi người ta gõ cửa xin mình cứu giúp thì mình phải cứu. Khi mình thấy những người đang đau khổ xung quanh mình, thì mình phải khuyên lơn, hoặc là có thời gian để lắng nghe cái sự đau khổ và tìm cách để giúp người ta thoát khổ.
Cho nên Phương Đẳng là thời gian biến hoá rất nhiều, và đôi khi chúng ta không nghĩ nó là quan trọng, nhưng mà thật sự nó rất là quan trọng.
Tám năm đức Phật giảng pháp Phương Đẳng: Làm sao mở rộng con tim, đừng có lên núi mà hãy ở lại đây. Nếu mà đã ở lại đây, ở trong cái trần gian này, thì mình phải nên giúp người khác. Và vì vậy các bác biết không? Thời Phương Đẳng này là thời đức Phật có rất nhiều người tại gia đi theo tu học. Trước đó, trong thời A hàm, thì rất nhiều người bỏ trần gian, đi xuất gia, trở thành một vị tăng. Nhưng đến thời Phương Đẳng thì có số người không thể xuất gia được, nhưng mở rộng con tim của họ, và đi giúp người khác, họ làm những chuyện nối kết.
Thời Bát Nhã.
Thời này, đức Phật dạy tới bản chất nội tại của mọi người. Bản chất đó tức là sự giác ngộ, tức là bản tánh Phật. Và Bát Nhã là khả năng nhận tri cái bản tánh Phật đó. Các bác có biết rằng đức Phật giảng về Bát Nhã đến 22 năm! Một giai đoạn dài nhất trong tất cả giai đoạn giảng kinh của Đức Phật. Bát Nhã rất khó hiểu. Nói về mở rộng con tim, chỉ có 8 năm thôi. Nói về bản chất của Khổ mất 12 năm, nhưng mà nói về bản chất của sự giác ngộ, bản chất Phật tánh của mình thì ngài mất 22 năm, gần như gấp đôi thời gian để giảng kinh A Hàm, giảng về Khổ Tập Diệt Đạo.
Đó là thời gian mà đức Phật đi vào trong cái bản chất của đại thừa: Phát triển Bát Nhã, phát triển trí huệ siêu việt. Thời Bát Nhã là thời gian mà ngài năm mươi mấy tuổi đến bảy mươi mấy tuổi và ngài rất chững chạc, thường gọi là seasoned practitioner, tức là một người tu tập rất vững chãi, rất là giàu kinh nghiệm và có kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm đạo rất là phong phú. Ngài đã trải qua không biết bao nhiêu giai đoạn của cuộc sống và đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu dạng người trong vũ trụ. Cho nên, ngài nhìn xuyên được và thấy được bản chất thanh tịnh của chân tâm, biết làm sao diễn đạt bản chất thanh tịnh đó cho người để giúp người khác nắm được bản chất thanh tịnh đó. Cho nên thời Bát Nhã 22 năm này là thời gian mà ngài chững chạc và giáo pháp của ngài là giáo pháp của người trưởng thành.
Thời Pháp Hoa Niết Bàn (trong 8 năm).
Lúc đó, đức Phật khoảng bảy mươi mấy tuổi. Ngài đem tất cả giáo pháp quy tụ lại, những ai cần hiểu về Khổ thì ngài nói về Khổ, những ai cần mở rộng tâm lượng để giúp kẻ khác thì ngài nói về Phương Đẳng, những ai thấy được Chân Tánh thì ngài nói về Bát Nhã và những ai thấy được rằng ngay trong cái khổ, ngay trong cái cõi tạp nhiễm này vẫn có thể có Thường Lạc Ngã Tịnh (đặc tính của Niết Bàn), thì ngài giảng về đặc tính Niết Bàn, ngài giảng về bản chất cái viên ngọc sẵn có trong mỗi người. Viên ngọc đó chúng ta đã quên rồi. Ngài mở cái viên ngọc đó ra, làm cho mình khai ngộ ngay, và đó là đặc tính Niết Bàn, có ngay ở trong vũ trụ ta bà này, không ở chỗ nào khác.
Ngũ thời (Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa Niết Bàn) tóm tắt lại sự tiến hoá tâm linh của Đức Phật!
Ngay khi ngồi dưới cội bồ đề (lúc Đức Phật 29, 30 tuổi) thì ngài đã giác ngộ rồi. Nhưng làm sao mà đem sự giác ngộ đó ra để mà chứng nghiệm, cho nên người ta gọi là Ngộ Hậu, tức là sau khi giác ngộ, thì làm cái gì về sự giác ngộ đó?
Ngài đi giảng, giảng từ chỗ thấp nhất để mà tất cả mọi căn cơ đều hiểu được cái khổ, rồi từ từ lên Phương Đẳng, từ từ tới Bát Nhã, tới Niết Bàn. Tức là một sự tiến hoá tâm linh. Nếu ngài đã tiến hoá tâm linh rồi vẩn chưa đủ. Ngài phải làm chúng sinh tiến hóa và trong sự tiến hoá tâm linh của chúng sinh, thì cái khả năng dạy của ngài cũng càng ngày càng trưởng thành, già dặn hơn. Cái tâm thức của ngài là tâm thức giác ngộ ban sơ, không thay đổi. Nhưng mà tâm thức dạy đạo và tâm thức đồng cảm với chúng sinh, thì càng ngày càng già dặn, và càng ngày càng trưởng thành hơn.
Cho nên chúng ta nên hiểu rằng, Giác Ngộ thuộc về cái phần mà Thầy hay gọi là Xuất Tục, là khi mình ngồi nhắm mắt và thiền định. Nhưng mà phần Nhập Thế, đi vào đời để mà diễn đạt giáo pháp, đem giáo pháp tới tất cả chúng sinh, thì cái phần đó cần có một hệ thống giáo dục, để con người từ giai đoạn thấp nhất, hay ở giai đoạn cao nhất, từ từ đều hiểu được. Mình không thể nào nói chuyện giác ngộ của mình cho những người chưa có sẵn sàng.
Bởi thế cho nên cái trí thức, sự hiểu biết của đức Phật rất là rộng rải. Rõ ràng là giáo pháp của ngài có sự tiến hóa từ A Hàm đến Phương Đẳng lên Bát Nhã, lên Pháp Hoa Niết Bàn: sự tiến hóa tâm thức của một người giác ngộ.
Điều quan trọng là chúng ta chỉ nói rằng đức Phật giác ngộ, mà không nghĩ đến kinh nghiệm dạy đạo. Tâm thức giác ngộ của đức Phật đồng với tất cả chư Phật chư Bồ Tát khắp mọi nơi trong vũ trụ. Nhưng kinh nghiệm dạy đạo của ngài thì khác với kinh nghiệm dạy đạo của tất cả chư Phật chư Bồ Tát khác, bởi vì mỗi nơi, mỗi trụ sứ đều có chúng sanh khác biệt. Tâm thức dạy dỗ chúng sanh tiến hoá với thời gian chứ không thể nào không thay đổi. Sự giác ngộ bên trong của ngài, 40 năm trước và 40 năm sau y hệt như nhau. Nhưng phương thức dạy đạo của ngài khác nhau trong 40 năm đó. Khi ngài vừa mới thành đạo dưới cội bồ đề thì kinh nghiệm sống của ngài khác với mấy chục năm sau cho nên cách dạy đạo, lời nói, ngôn từ, sẽ khác biệt. Ngôn từ của ngài lúc dạy A hàm, sẽ không có trộn lẫn với ngôn từ của Bát Nhã và khi ngài dạy Bát Nhã, ngài sẽ không lẫn lộn với cái ngôn từ của thời đại A Hàm. Sự Giác Ngộ, tức là tâm thức Chân tâm thì nhất như, bất biến, không thay đổi. Nhưng kinh nghiệm sống thì thay đổi, và qua kinh nghiệm sống thì trí tuệ của cuộc sống cũng thay đổi. 40 năm trước thì trí tuệ đó không thể nào bằng 40 năm sau. Đó là lý do giáo pháp của Đức Phật là một giáo pháp không ngừng tiến hoá, không ngừng tiến triển.
Bất kỳ một vị tăng sĩ, một vị ni sư nào đó, mà khi họ mới vào, thế phát xong rồi thọ giới tỳ kheo, tỳ kheo ni v.v… thì lúc đó kinh nghiệm sống của họ không thể nào so sánh được với kinh nghiệm sống của họ 40 năm sau. Họ già dặn hơn, họ hiểu đạo hơn, họ biết cách trình bày cái đạo cho chúng sinh rõ ràng hơn. Và vì vậy cho nên, các bác biết không? Sự tiến hóa của nhận thức về cuộc sống, nhận thức để mà trình bày đạo pháp cho chúng sinh, cái đó gọi là trí tuệ phương tiện. Cái trí tuệ để mình nhận thức được chân tâm, thì được gọi là trí huệ bản hữu, trí huệ căn bản.
Trí huệ và trí tuệ khác nhau. Sự phát triển của trí tuệ phương tiện, để dạy đạo, hiểu giáo pháp cho thâm sâu, cần thời gian và cần không gian, lại cần chúng sinh để từ từ phát triển.
Thầy nói hơi dài dòng như thế, nhưng Thầy xin quay lại với một chuyện, một chủ đề rất là quan trọng.
Chúng ta cứ luôn nghĩ rằng đạo Phật là mê tín, không phải đâu các bác. Trong phật giáo có rất nhiều người chưa hiểu đạo. Giai đoạn đó của họ là giai đoạn mê tín. Giai đoạn mà họ phải đi cúng, đi xin xăm, đi bói quẻ, đi giải hạn. Giai đoạn đó là giai đoạn của những người mới vào đạo.
Thưa các bác, thời đức Phật thì ngài có rất nhiều người ngoại đạo như vậy, tức là chưa hiểu đạo, và ngài từ từ đem họ đi vào. Ngài không khinh thường những người đó, ngài không chê bai những người đó.
Cho nên đối với những người Phật tử mà cúng sao giải hạn, xin xăm, xin bùa, xin chú, thì chúng ta không nên coi họ là ngoại đạo, mà nên coi họ là những người chưa có am tường đạo Phật. Chúng ta nên mở tay và từ từ hướng dẫn họ, đi tới chỗ mở tâm, thấy được Khổ Tập Diệt Đạo, thấy được cái đau khổ của cuộc sống, hay nhiều khi chỉ là có cái lòng tin.
Từ từ mình dẫn họ đi vào trong Phương Đẳng, mở rộng con tim ra, mở rộng tình thương, biết quan hoài người xung quanh hơn. Nếu con cái mình không có học bài được, thì không phải đến xin xăm, xin quẻ, xin thánh mẫu giúp cho. Không! không nên làm như vậy, mình nên ngồi để lắng nghe con cái xem có chuyện gì đó khiến nó không tập trung học hành được. Sự lắng nghe của mình chính là cái khởi đầu của A Hàm. Là mình bắt đầu lắng nghe, giống như mình lắng nghe hơi thở vậy, mình lắng nghe con cái, xong rồi mình làm cái gì tiếp? Xong rồi mình nói chuyện với con cái, mình nói: Ô! má nghe con nói như vậy, nhưng mà má thấy con có cái gút gì với cái chuyện này chuyện kia. Từ từ đó, hãy để cho con cái nói ra, và khi nó nói ra được, tức là mình đi vào trong ‘Tập’, mình tìm được cái nguyên nhân tại sao mà nó học không được. Khổ là vì nó học không được, nhưng mà nguyên nhân cái khổ, tại sao học không được vậy? Nhiều khi là vì nó ham chơi với bạn bè, nhiều khi là nó nghiện TikTok quá, nhiều khi là có cái gì đó, một thói quen xấu gì đó. Chúng ta tìm cách từ từ gỡ những gút thắt đó ra.
Vì thế, thưa các bác, mình không nên vội vàng chê những người chưa có hiểu đạo. Mình không nên vội vàng kết luận họ là những người mê tín, họ là những người không thuộc Phật giáo, mà mình nên mở tay mở lòng. Mình nên nghĩ rằng, đó là những bước sơ cơ, những bước đầu tiên cả, không can gì. Con đường chính đạo là đây: Khổ Tập Diệt Đạo, đây là con đường chúng ta hãy từ từ đi vào. Và mình hãy tìm cách lắng nghe, đưa họ đi vào. Như thế, chúng ta từ từ sẽ thấy rằng, bất kỳ một người nào, bất kỳ một chúng sanh nào xung quanh mình, tất cả mọi người đều là đối tượng của giáo pháp mà Phật dạy.
Chứ còn không thì chúng ta nghĩ, bà này mê tín tôi không chơi với bà nữa, ô! người kia, Ô, toàn là phật giáo mê tín, thôi không chơi nữa! Như thế thì mình đem vào một tâm thái quá khích mà không cần thiết. Chúng ta hãy nghĩ rằng tất cả mọi người đều cần có giáo pháp và chúng ta là cái gạch nối để cho họ có thể tìm được giáo pháp. Mình không cần dạy, nhưng mình chỉ cho họ con đường để họ đi vào với giáo pháp, đúng với cái Chánh Tín. Thưa các bác, đó là thái độ mà mình nên có.
Các bác thử tưởng tượng: Nếu mà đức Phật trong 49 năm giảng pháp mà ngài chỉ có giảng một loại pháp Khổ Tập Diệt Đạo thôi, rằng thế gian là khổ, thì đức Phật không thể nào mà diễn bài cái nội chứng thâm sâu của ngài khi ngài ngồi dưới gốc bồ đề được. Cái nội chứng thâm sâu đó phải mất 49 năm thì ngài mới từ từ đi, từ bước thấp nhất mà mở ra, mở ra, mở rộng, mở sâu cho tới cuối cùng là thời gian giảng Pháp Hoa Niết Bàn.
Tám năm cuối đời ngài, thì ngài mới mở hoàn toàn ra những gì mà ngài giác ngộ ở cội Bồ Đề 49 năm trước.
Cho nên sự tiến hóa trong phương thức dạy đạo của ngài làm cho mình phải hiểu rằng, bây giờ chúng ta là những người học trò, những người đi theo đạo Phật, thì mình cũng nên mở tâm mở lòng, từ từ hãy nhìn lại cái sự tiến hóa trong sự nhận tri của mình, hơn là đi phê bình những người còn ở trong chỗ ban sơ, đang tìm đạo. Nếu mình phê bình và gạt họ ra, thì thật không đúng với cái đạo từ bi, thưa các bác.
Chúng ta nên mở tâm, mở lòng để làm sao họ có thể tìm được những bước đi vào Phật pháp nhẹ nhàng hơn. Và đó chính là cái tâm thức mà chúng ta nên luôn luôn nhớ: chúng ta phải tiến hóa cái tâm thức dạy đạo.
Cảm ơn các bác đã lắng nghe và chúc các bác một ngày yên lành.
Comments