top of page

Sức Nối Kết của Các Giai Tầng Bồ Tát

Bài Pháp giảng tại rừng sinh thái Bồng Lai (Penglai), thành phố Nanzhuang, Đài Loan


Sau khi Pháp hội Quán Âm ngày 12 và 13 tháng 10, năm 2024 tại Cao Hùng, Đài Loan được hoàn tất mỹ mãn, phái đoàn của Hội Từ Bi Phụng Sự đã đi thăm khu rừng sinh thái tên là Penglai River Ecological Park thuộc thành phố Nanjhuang vào ngày 16 tháng 10. Địa điểm du lịch này được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, có dòng suối chảy qua những viên đá cuội rất đẹp, có cả các động vật, chim cá, côn trùng và những đường mòn để đi bộ. Đặc biệt nhất là rừng cây vẫn được bảo tồn, còn nguyên vẹn.




Hãy nhìn vào các cây xung quanh có đủ hình dạng, dáng vẻ rất riêng biệt về cành lá cũng như chiều cao và tuổi đời. Còn bụi dây leo kia vươn lên và quyện bám vào các cây xung quanh. Kìa xem, cây nọ rất to, đứng vững chãi, làm chỗ nương tựa cho các cây khác. Nếu nhìn qua lăng kính tâm linh thì khu rừng này tượng trưng cho nhân loại trong thế giới vi mô, rất nhỏ.

 

Nếu tạm so sánh, khu rừng này cũng từa tựa như phái đoàn của chúng ta. Người thì cao, to lớn khỏe mạnh, sẵn sàng đưa tay dìu và đỡ nhưng ai cần. Người thì thấp bé, ốm yếu hơn, đi đứng đến những chỗ khó khăn đôi khi mong cầu được giúp. Về dáng điệu thì hoàn toàn khác hẳn, tính tình và giai cấp cũng khác nhau. Kẻ giàu, người sang, người được dư dã, có người thì thiếu trước hụt sau.

 

Trong khu rừng Penglai (Bồng Lai), khi không gió, các cây đứng lặng yên như bất động. Hễ có gió thổi tới thì mọi cây đều cùng nghiêng về một hướng nhưng chúng không chen chúc cản trở nhau mà cùng thở với nhau, tất cả như một tấu khúc hài hòa chung một nhịp điệu. Thử hỏi, chắc ai cũng biết:

-       Ban đêm, cây lá thải ra chất gì?

-       Carbon dioxide

-       Ban ngày chúng thở ra cái gì?

-       Oxygen.

 

Vì thế, rừng cây là lá phổi của trái đất, giúp chúng ta có Oxygen và làm cho khu vực chung quanh được tươi mát và tốt đẹp. Cây lớn không lấn áp cây bé, mỗi cây tự mọc và lớn mạnh. Tương tự như vậy, trong xã hội chúng ta đang sống, chẳng nên nghĩ rằng mình khôn hơn người khác mà phải hiểu rằng mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau, có cuộc đời riêng của họ, hãy tự sống đi, không thể bắt người khác phải sống giống như mình. Mỗi lần hướng dẫn nhóm nào đến thăm viếng một khu rừng, Thầy luôn nhắc nhở chúng ta nên tu tập như những cây trong rừng.

 

Sống chung nên biết nhường nhịn nhau để có sự hài hòa ví như mình ở cùng trong khu rừng với nhau. Đức Phật nói cây lớn hấp thụ nhiều nước hơn cây nhỏ. Mỗi cây cần một lượng nước vừa đủ để mọc tốt. Cũng vậy, mỗi người lãnh hội Phật pháp không giống nhau. Các bác đến học pháp với Thầy đã năm năm, mười năm, hay ba mươi năm nhưng sự thấm nhuần của mỗi người khác nhau. Một số người chỉ học khoảng vài năm và thấm hiểu ngay nhưng một số người khác học đạo suốt mười năm mà thấm rất ít!

 

Trong một khu rừng, nếu có bão tới phía cánh rừng bên kia, các cây sẽ biết và gởi tín hiệu qua mạng lưới nấm dưới rễ cây. Nấm truyền tín hiệu dưới lòng đất và cây cối cùng biết, ồ, cơn bão sẽ đến. 

 

 

  • Khi thành Bồ Tát Thập Trụ (Ten Abodes Bodhisattvas), mình bắt đầu nối kết được với vài người, giống như một cây trong rừng nối kết với vài cây gần nó. Bồ Tát Thập Trụ chỉ là ngôi nhà và mình nối kết với một số người xung quanh, thí dụ như một gia đình gồm có cha mẹ và những đứa con.

 

  • Tâm thức của Bồ Tát Thập Hạnh (Ten Practices Bodhisattvas) lớn hơn, liên kết với rất nhiều người xung quanh tạo thành một cộng đồng, nối kết chặc chẻ với nhau. Tuy chỉ là một thành phần của cộng đồng nhưng cảm thấy thân thiết với tất cả mọi người trong nhóm như trong một gia đình lớn. Nếu có ai trong nhóm bị bệnh, cả nhóm cùng hồi hướng và cùng gởi tình thương đến, ví dụ như trường hợp của chị Lệ mới gần đây. Hoặc nếu chị Thu Hà gặp chuyện không vui, chúng ta ngồi lại với nhau hồi hướng giúp cho chị vui, hoặc nói chuyện, gọi điện thoại hỏi thăm.

 

Bồ Tát Thập Hạnh có sự quan hoài rộng rãi, hiểu biết nhiều hơn về người xung quanh và có mối quan hệ rộng lớn. Cả nhóm Bồ Tát Thập Hạnh đọc được những dấu hiệu (giống như cây trong rừng, đọc tín hiệu từ rễ cây truyền đi), biết được chuyện gì sắp xảy ra để mình thay đổi đời sống của nhau, giúp cho đời sống của mỗi người ngày càng cao hơn.

 

Trong ví dụ khu rừng thì Bồ Tát Thập Hạnh định nghĩa ngài là khu rừng và ngài liên hệ với tất cả cây cối trong rừng.

 

Bồ Tát Thập Hạnh tu mười Ba La Mật (Kinh Hoa Nghiêm): Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ, Phương Tiện, Đại Nguyện, Đại Lực và Đại Trí.

 

  • Bồ Tát Thập Hồi Hướng (Ten Transference Bodhisattvas), thì không phải chỉ là một khu rừng mà thấy rằng ngài là cả vũ trụ của tất cả những gì có hít vô thở ra.

Tâm của Bồ Tát Thập Hồi Hướng rất nhạy bén, óc nối liền với tất cả mọi người, truyền ngay lập tức những tư tưởng của mình đến cho tất cả mọi người, tạo thành một mạng lưới bao trùm rộng lớn và sâu đậm, vi tế, ví như tất cả chúng sinh trong khu rừng chỉ là một thể. Đôi khi, một phần rừng bị hủy hoại, phần rừng còn lại cũng ủ rũ theo hoặc nếu rừng bị xáo trộn, đàn ong sẽ bay đến xem ai đã tàn phá các cây kia.

 

Tâm thức Bồ Tát Thập Hồi Hướng nhạy bén đến độ là óc của mình và óc của người như nối kết với nhau. Thí dụ như bây giờ Thầy nói là chúng ta hãy đi cứu tế những người bên kia, đồng thời cùng một lúc đó, có lẽ chị Lani nằm mộng thấy Thầy bảo hãy đi cứu tế. Chị Mai Ly có thể nghe message bằng cách là trong đầu chị nghĩ là, ủa, mình hãy đi cứu tế. Chị Mai Beck tự nhiên nghĩ: À, mình điện thoại xem thử chị Đan Thanh có kêu mình đi cứu tế không?

 

Như thế, ý tưởng cứu tế trong dạng Thập Hồi Hướng được truyền lan bằng tư tưởng phát đi một cách mau chóng vô cùng. Tất cả mọi người tạo thành một mạng lưới vô hình nối liền óc não với nhau. Cho nên, khi các bác ngồi thiền đạt được định lực càng cao, bộ não của mình nối kết với não của tất cả mọi người thật là tuyệt diệu.

 

  • Đến Bồ Tát Thập Địa (Ten Grounds/Bhumis Bodhisattvas) còn vi diệu hơn nữa bởi vì ngài không nối kết với chúng sinh mà ngài nối kết với chư Phật, chư Bồ Tát. Ngài giúp chúng ta nối kết với chư Phật, chư Bồ Tát ngay lập tức có nghĩa là các Ngài sẽ hiển hiện trong tâm thức của mình, làm cho mình không bị kẹt trong tư tưởng, tình cảm, hoặc trong những chuyện vướng mắc của thân xác.

 

Bởi thế, Thầy rất thích thực hiện Mandala bởi vì Mandala là dấu ấn quan trọng nhất của Bồ Tát Thập Địa, có nghĩa là chúng ta thỉnh mời chư Phật, chư Bồ Tát nối kết với tất cả chúng sinh. Nếu không làm Mandala, chúng ta chỉ là người bình thường thôi.

 

Vì thế, khi vào khu rừng này, các bác đừng nghĩ là mình chỉ vào khu rừng để ngắm cảnh mà vào để biết rằng mình vẫn còn ở trong Thập Trụ, có nghĩa là còn lo cho thân xác và nối kết với nhau trong chuyện mua thức ăn thức uống mà thôi. Đến Thập Hạnh thì nối kết bằng tình cảm, bằng con tim, không cần ăn uống, không cần thể xác, không cần đụng chạm gì cả nhưng tình thương và tâm bồ đề lan tỏa ra, tâm thức nhẹ nhàng, thanh tịnh. Đến mức độ Thập Hồi Hướng, tư tưởng của mình nối kết lại với nhau thành một mạng lưới rộng lớn. Đến mức độ Thập Địa, ngài nối kết tâm linh với chư Phật, chư Bồ Tát.

 

Sự tu tập của chúng ta tiến lên từng tầng, từng tầng và chúng ta đến khu rừng này để có bài học hôm nay. Hiện nay, chúng ta cần tập nói chuyện, làm bạn với người trong cùng chuyến đi và hãy cùng nhau tiến tu.

 

Chúng ta thấy rằng tất cả cây cối ở đây sống được là nhờ cái gì vậy, các bác?

-       Đất, Nước, Gió, Lửa

-       Ai nói cũng đúng cả.

Nhưng nếu không có nước, thì cây sẽ chết!

Nước! Các bác có nghe nước đang chảy không? Ở đây, có mưa có nước đầy đủ cả. Bây giờ hãy vui lên, và một lần nữa chúng ta nên gởi cho nơi này, gởi đến tất cả chúng sinh nơi đây tâm thức Thập Địa.

 

Đó là chủng tử gì? Là chủng tử GA  và hãy cùng nhau hát câu chú Thầy đã phổ thành nhạc:

Jye Meng. Om, Wa Dz La, Wei La Ye, So Po Ho. 


 
 
 

Comentários


bottom of page