top of page
CSS Staff Writers

Nhìn Toàn Diện



Good morning các bác, các anh chị, đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay, một trong những ngày cuối cùng của năm 2024. Trong đề tài này, Thầy sẽ nói về chủ đề Thấy Toàn Diện.

 

Để dẫn tới Thấy Toàn Diện, tưởng cũng nên nhắc lại rằng người Việt Nam chúng ta, vào ngày 23 tháng chạp (tuần cuối của năm âm lịch) là ngày đưa ông Táo về trời. Đó là một tập tục rất đặc biệt, rất hay. Ông Táo về trời để làm chuyện gì vậy? Để tấu trình với Ngọc Hoàng những chuyện chúng ta làm hằng ngày suốt trong năm. Ông Táo ở trong nhà bếp cho nên những chuyện bí mật chúng ta nói trong nhà bếp là nơi chúng ta nấu nướng ăn uống, ông đều nghe và lưu giữ lại.

 

Không ngờ tập tục đó lưu truyền cả ngàn năm nay, cả bên Tàu và Việt Nam. Chúng ta luôn nhắc nhở nhau phải ăn hiền, ở lành để cuối năm ông Táo về trời sẽ báo cáo đúng. Thầy lúc nào cũng cảm động mỗi dịp cuối năm, có Cậu Tuyến và cô Minh viết bài Sớ Táo Quân để gởi về trời cho biết là Hội Từ Bi Phụng Sự chúng ta đã làm gì. Lần nào Thầy cũng hứng thú lắng nghe Cậu Tuyến Cô Minh vừa đánh trống, vừa huýt sáo, vừa tụng, vừa niệm. Thầy nghe đến 2-3 lần, có khi ngồi trong xe cũng mở ra nghe và suy gẫm lại những chuyện gì Hội Từ Bi Phụng Sự đã làm.

 

Nhưng chuyện tấu trình này chỉ làm trước Tết ta. Đó là điều làm cho Thầy suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy rất hứng thú. Chúng ta không hiểu rằng ông Táo về thưa trình với Ngọc Hoàng Thượng Đế trên cõi trời những chuyện gì, có chính xác và có toàn diện hay không?

 

Rất nhiều năm về trước, Hòa thượng Tuyên Hóa có một đệ tử tên Genieve. Bà này ở bên Hồng Kông và muốn mời Thầy sang thăm bà. Thầy đáp ứng lời mời và đi qua Hồng Kông thăm bà đó. Bà ở tại Mandarin Hotel, một khách sạn 5 sao sang cực kỳ. Đúng ra hotel này phải là 7 sao chứ không phải 5 sao vì tất cả đồ đạc, dụng cụ, thiết bị sang trọng vô cùng. Từ tầng lầu cao, nhìn ra thấy cảnh Hồng Kông rất là đẹp và dễ thương. Bà có người giúp việc mời Thầy uống trà. Thầy nhớ là mỗi lần bà lên thăm Thầy ở chùa Long Beach hay trên chùa Vạn Phật, lúc nào bà cũng đi bằng xe Limousine. Thầy ngồi nói chuyện với bà và khen chỗ này đẹp. Thầy nói rằng: Chắc là cuộc sống của bà cũng rất là hạnh phúc? Không ngờ bà nói với Thầy: Thầy chỉ thấy cái bên ngoài của tụi tôi thôi chứ còn bên trong, tôi có rất nhiều đau khổ. Suốt nhiều năm nay, tôi đau khổ vô cùng mà không ai biết, nay tôi muốn xin thố lộ với Thầy.

 

Thầy sửng sốt và lắng nghe. Thì ra, nội tâm của bà hoàn toàn khác bên ngoài. Câu chuyện đó cũng làm Thầy suy nghĩ rất nhiều. Không biết nếu Táo Quân lên trên trời có kể hết những nỗi niềm đau khổ của bà Genieve này hay không? Và nếu Táo Quân đã báo cáo rõ mọi điều thì Ngọc Hoàng đã làm gì với những thông tin đó?

Không hiểu!

 

Khi Thầy qua bên Hy Lạp với phái đoàn Hội Từ Bi Phụng Sự viếng thăm Meteora và nhất là khi thấy được ngôi đền của nữ thần trí huệ, Goddess of Wisdom là bà Athena ở trên Acropolis of Athens. Lúc đó, tuy chưa vào trong đền nhưng chỉ biết rằng có pho tượng bên trong. Chúng ta thấy cả một kiến trúc hùng vĩ vô cùng. Mình đọc, mình nghe, giống như thể mình muốn đi vào trong văn hóa của Hy Lạp đến độ là phái đoàn của chúng ta đi dạo phố, đi vào ngồi trong hý trường để ôn lại cảm xúc của 2000, 3000 năm trước và cùng đến Meteora để nhìn lại những kiến trúc, đi vào trong những tự viện, để như sống lại cuộc sống của thời xưa.

 

Chúng ta cũng rất thành công thấy được những điểm chấm phá, những nét đẹp của văn hóa Hy Lạp và nhất là tiếp nhận được những tâm thức đã biến mất rồi, tâm thức của những người tu hành tại đó vì họ còn để lại dấu ấn là những tự viện: Tâm thức được khai mở hoàn toàn trong kiến trúc Acropolis, tức là ngôi đền Parthenon. Ngôi đền đó hiện nay chỉ còn lại các cột trụ thôi, chứ không còn gì khác hơn nhưng mình đã tìm thấy những điểm nhỏ, chúng ta tạm gọi những điểm đó là HIGHLIGHT. Mình không hiểu được nếu Táo Thần về báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế thì sẽ báo cáo như thế nào về một nền văn minh đã sáng rực và rồi sụp đổ? Có phải chăng là báo cáo hết tất cả mọi thứ? Không hiểu!

 

Ngày cuối cùng của chuyến đi Hy Lạp, phái đoàn chúng ta đã đi vào một nơi rất rộng rãi để ngồi thiền nơi thiên nhiên. Chỗ đó không thuộc về ai cả, đó là một vùng đất rất thiên nhiên. Bỗng dưng, có một ông cảnh sát tới đuổi phái đoàn chúng ta và không cho chúng ta ngồi thiền, nói rằng: “Không được ngồi thiền ở đây, luật pháp không cho ngồi thiền.” Mình thừa biết làm gì có luật pháp nào cấm người ta ngồi thiền trong thiên nhiên đâu. Lại còn nói là cấm không được tập yoga cũng không được tập Tai-chi. Rõ ràng là họ kỳ thị. Tuy vậy, phái đoàn chúng ta rất là dễ thương, không chống đối lại mà từ từ đi bộ trở lại lên xe và đi tìm chỗ khác.

 

Thưa các bác, đó là một kinh nghiệm. Vì bị người cảnh sát ruồng rẫy mình có nên nghĩ rằng văn hóa Hy Lạp và người Hy Lạp quá tệ không? Có thể nào mình chỉ nhìn một chuyện nhỏ và rồi tổng quát hóa (generalize) cho rằng người Hy Lạp xấu xa và văn hóa của họ tồi tệ chăng? Chắc có thể chúng ta không nên làm.

 

Sau khi đưa những thí dụ như vậy rồi, Thầy nói một thí dụ khác rất lý thú về Đức Cồ Đàm, tức là Đức Phật. 

 

Trước khi giác ngộ, Ngài lên núi 6 năm để tu luyện thân xác. Trong 6 năm đó, Ngài buông bỏ hết tất cả những tập tục, thói quen của trần tục và từ từ đi vào trong sự tĩnh lặng. Sau khi nhận được năng lượng từ ly sữa tươi của một người phụ nữ cúng dường, Ngài đã ngồi được suốt 49 ngày. Khi giác ngộ rồi, Ngài thành Phật. Trong một đêm nọ, trước khi giác ngộ, Ngài bỗng thấy lại toàn diện cuộc đời của Ngài từ lúc mới sinh ra cho tới lúc lớn lên.

 

Ngài không thấy từ cái nhìn từ chính Ngài thấy ra, mà Ngài thấy từ một cái nhìn từ trên xuống. Ngài thấy được mình đang nói gì, làm gì, tư tưởng mình như thế nào và Ngài thấy được động cơ gì mình nói chuyện đó và Ngài cũng thấy được, hiểu được, biết được những người ở trong mối quan hệ đó. Ví dụ, lấy củ cà rốt, cắt nó ra từng lát, từng lát một, tương tự như thế, Ngài thấy cuộc đời của Ngài xắt ra cả trăm ngàn lát. Trong mỗi lát mỏng như vậy, Ngài thấy được cái động cơ, cái tâm thức của Ngài. Ngài cũng thấy được một người đó làm cái gì, cái động cơ như thế nào. Ngài thấy được hoàn cảnh sống của người đó ảnh hưởng đến lời nói của họ như thế nào.

 

Cái thấy của Ngài trong lúc đó là cái thấy toàn diện, từng lát, từng lát nhưng rất toàn diện, thấy cả cuộc đời Ngài là một mạng lưới phức tạp, không thể định luận trong một hai ba chữ được. Do đó, cái khả năng Táo Thần viết một bài sớ để trình lên Ngọc Hoàng Thượng Đế để biết về mình, thì có lẽ là viết lát số 1, lát số 15, lát số 39 nhưng mà không thể nào Táo Thần trình bày toàn bộ từ lát số 1 đến lát số 40, tức là không toàn thể được bởi vì Táo Thần không có khả năng giác ngộ như Phật. Táo Thần chỉ nhìn từ bên ngoài nhìn vào mà thôi. Như thế, thấy toàn diện là một cái thấy xuyên suốt.

 

Đó là chuyện Đức Phật, Ngài giác ngộ là thật sự bởi vì Ngài có cái thấy toàn diện tất cả từng lát, từng lát, tất cả mọi lát và cái tổng thể. Ngài không những thấy một cái highlight, tức là một chuyện nhỏ mà Ngài còn thấy chuyện nhỏ đó với những đầu dây mối nhợ xung quanh. Ngài thấy được cái động cơ mà chuyện nhỏ đã xảy ra, động cơ trong tâm người này người kia. Ngài thấy được cái duyên nào, nó quấn quít như thế nào và nó hiển hiện ra sao. Ngài thấy được nhân, quả, duyên, thấy được tất cả những chuyện đó chiêu cảm như thế nào. Một cái thấy toàn diện và vĩ đại vô cùng. Ít ra, đây là quan điểm của Hoa Nghiêm về cái nhìn toàn diện, cái nhìn giác ngộ. Quan điểm này các bác có thể tìm lại trong phẩm 37, phẩm Như Lai Xuất Hiện, để các bác thấy rằng cái nhìn của Đức Phật xuyên suốt và toàn diện vô cùng.

 

Nói về đạo Phật rồi, bây giờ nói về chúng ta. Chúng ta bị vụn vặt bởi những cái highlight, bởi những cái lát (slices). Có nghĩa là sao? Có nghĩa là, thí dụ như chuyến đi Hy Lạp, nếu mình bị cảnh sát chưởi mắng một lần, mình có ấn tượng là Hy Lạp xấu lắm, không thèm đi tới nữa. Hoặc là chuyện thực tế khác, thí dụ như khi có một người bạn hay một người nào đó mắng chưởi và làm cho mình tức lên, lập tức mình định luận người đó là kẻ thù, là bạn xấu, mình không chơi nữa. Mình không biết rằng đó là chỉ là một cái lát (slice), một cái highlight trong cuộc sống của mình chớ không nghĩ ra rằng chuyện xảy đến rồi sẽ đi. Đời mình toàn diện lắm. Tuy là chuyện nhỏ, nhưng đôi khi mình tức người đó, nên sống trong thành kiến và mê muội, tức giận suốt đời và nhìn người đó mãi mãi là một kẻ thù.

 

Nhiều khi mình bị nhốt chặt trong một thành kiến về một người chỉ qua một bài báo viết về họ. Thí dụ, Thầy nghe có người nói xấu về một vị thầy này và tự nhiên một số người có thành kiến về vị thầy đó. Thật ra, mình chỉ thấy có một cái lát, một điểm nhỏ trong cuộc đời của người thầy này. Các bác có biết chắc khi thầy này mới bắt đầu tu hành như thế nào? Mình nào biết đời trước của Ngài cũng tu hành như thế, và đời sau của Ngài ra sao?

 

Ví dụ như Ngài Cưu Ma La Thập (tiếng Phạn là Kumārajīva), một dịch giả tuyệt luân của Phật giáo. Không có Ngài Cưu Ma La Thập thì sẽ không có kinh điển Đại Thừa và không có được một Phật giáo Đại Thừa như ngày hôm nay. Ngài hiển dương tư tưởng Đại Thừa trong Kinh Duy Ma Cật, Kinh Bát Nhã, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (hay Kinh Pháp Hoa). Nhờ văn bút của Ngài mà cả xã hội Tàu theo và quy về với Phật giáo Đại Thừa.

 

Đó là khi nhìn toàn thể cuộc đời của Ngài nhưng có một cái lát, một cái điểm highlight, một cái nét sổ trong đời Ngài là bị vua bức bách phải sống với hai cô hoàng phi và tám cô cung nữ, tức là mười vị. Ngài không thể ở trong tăng đoàn mà phải ở trong một cung điện khác bên cạnh dịch trường (nơi dịch kinh sách Phật) ở Trường An (bên Trung Quốc). Như thế, các vị thuộc Nam Tông gọi điều đó là một sự phá giới, các vị theo Bắc Tông nghĩ đó là chuyện bất khả tư nghì bởi vì Ngài nói rằng: Nếu ta làm sai, những điều ta dịch mà ngược với ý Phật thì khi thiêu ta, cái lưỡi của ta sẽ bị tan biến. Nếu ta nói đúng và điều ta dịch là đúng, công hạnh của ta vô nhiễm, cái lưỡi của ta sẽ không bị thiêu đốt. Quả nhiên, cái lưỡi của Ngài không bị thiêu đốt.

 

Cho nên, có những thành kiến, những hiểu biết của mình được hoặc là bị lịch sử nhào nặn lại làm cho mình hiểu người đó theo cái nhìn của lịch sử. Đối với lịch sử Phật giáo thì mình không thấy điểm xấu của Ngài Cưu Ma La Thập mà chỉ thấy điểm son lớn nhất là sự hy sinh và cống hiến của Ngài gầy dựng nên Phật giáo Đại Thừa. Đó là chuyện xa xôi của người xưa nhưng khi nói chuyện của chính chúng ta, nhiều lúc mình rất đau khổ vì bị người ta ruồng rẫy và muốn thay đổi ý kiến, thay đổi quan niệm của người ta nhưng họ thay đổi không được.

 

Lúc Thầy ở Đài Loan có gặp một chú nhỏ. Chú nhỏ này lỡ tay làm một việc không hay lắm nên bị cảnh sát nhốt vô tù và bị kết án là du côn du đãng. Khi nói chuyện với Thầy, chú ấy nói là con rất muốn thay đổi và con đã hết sức hết lòng thay đổi nhưng có những tánh xấu con không biết làm sao. Nhiều khi con đã sửa được chuyện này nhưng gia đình con và người xung quanh cứ nghĩ là con chưa sửa được. Các bác thấy đó, rất là tội nghiệp.

 

Thầy cho các bác thấy hai chiều, khi mình bị ruồng rẫy, và khi mình ruồng rẫy người khác. Mình ruồng rẫy người ta nhưng khi tới xin lỗi thì người ta không chịu, vẫn nghĩ rằng mình là kẻ xấu. 

 

Đây là cái gút của bài này, mình chỉ thấy một cái highlight, một cái lát trong một cuộc đời có 1000 lát. Cái lát đây tượng trưng qua thí dụ lấy củ cà rốt, cắt ra từng lát, từng lát. Nguyên củ cà rốt như thế nhưng mình chỉ ăn 1 lát cà rốt thôi nhưng lát đầu và lát đuôi không giống nhau dù nó đều là một phần của củ cà rốt.

 

Cũng vậy, tánh tình của con người chúng ta nhiều khi xuyên suốt nhưng lại có những lúc nổi giận, nổi điên, cũng có những lúc hiền lành. Tuy lúc tốt, lúc xấu nhưng cái bản tánh của mình, mình phải nhìn ra là cái gì. Đối với người phát Bồ Đề Tâm, mình thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có tiềm năng và đều có khả năng thay đổi. Nếu không nhìn vào chuyện tốt và tiềm năng có thể thay đổi, mình sẽ bị màu sắc của cái lát đó làm cho mình không thể nào thay đổi kiến giải và sẽ kẹt vào trong thành kiến.

 

Trong đời sống, chắc chắn các bác có kinh nghiệm này: Có những người ghét mình bởi vì mình lỡ nói một câu khiến họ ghét và giận mình suốt đời, không thèm nhìn mặt, không thèm nói chuyện, không chơi với mình. Hoặc ngược lại, mình bị một người nào đó làm tổn thương dù chỉ một lần thôi và mình định luận rằng người đó là xấu vĩnh viễn, không muốn giao tiếp, không muốn gặp mặt nữa.

 

Té ra, mình tự nhốt mình trong thành kiến. Đó là cái nhìn cục bộ, cái nhìn vụn vặt bởi highlight. Như thế, nếu tu hành mà bị kẹt trong thành kiến đó, mình sẽ không thể nào giác ngộ được. Khó lắm, trừ phi là đi nhập thất. Thế nào là nhập thất? Tức là mình đi ra khỏi những ảnh hưởng cũ xưa để bắt đầu tạo một quan điểm mới. Nếu không thể nhập thất được thì nên tha thứ, bỏ qua những cái nhìn vụn vặt, bỏ qua cái nhìn của từng lát, từng lát một mà nhìn toàn diện và đừng để kẹt vào những “highlight”, những chuyện vụn vặt vì nó chỉ là một cái lát, một chuyện xảy ra, một cái event trong trăm ngàn chuyện.

 

Cuộc sống của các bác đẹp lắm. Mỗi con người mình có rất nhiều cái đẹp chứ không phải chỉ có một chuyện xấu đó thôi. Khi người ta mắng bác không có nghĩa là người ta lúc nào cũng mắng, cũng xấu mà có cả trăm ngàn chuyện tốt khác kìa. Thành ra mình phải nhìn toàn diện, đừng để bị kẹt trong cái nhìn, mà hãy tha thứ. Cái gút của bài này là nhìn toàn diện, làm sao nhìn được toàn diện. Đừng nhìn vụn vặt, làm sao có thể ra khỏi thành kiến để không bị kẹt trong từng lát vụn vặt đó.

 

Tha thứ không cần một lý do nào cả nhưng khó khăn của sự tha thứ là cái tâm nó tức, nó tức, nó tức! Nhiều khi không tức nhưng mà nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ! Hoặc là mình thấy đau quá, đau quá, đau quá! Những chuyện đó làm mình không thể nào tha thứ nhưng tha thứ thì không có gì khác hơn mà là một sự hoàn toàn buông. Nếu không buông thì mình không tự tại được!

 

Do đó, trong ngày cuối năm, không nên nghĩ rằng ông Táo sẽ báo cáo từng lát, từng lát một. Đừng nghĩ như vậy mà nên nghĩ rằng mình cần Ngọc Hoàng Thượng Đế, cần Phật, và Bồ Tát cảm thông cho sự đau khổ của mình và xin ông Táo có báo cáo gì thì cứ báo cáo đi nhưng xin ông phải nhớ rằng cuộc sống của chúng ta phức hợp vô cùng. Không thể nào một lời báo cáo trong một năm nói lên được toàn diện cái bản chất của chúng ta. Nó chỉ có thể nói được những chuyện xảy ra trong năm đó mà thôi.

 

Nói như thế, Thầy mong tất cả các bác có được một cái nhìn toàn diện và từ từ ra khỏi những thành kiến giam nhốt mình trong một vũ trụ rất là nhỏ nhen đau khổ. Chúng ta nên bước ra khỏi những thành kiến, những đau khổ đó và nên tha thứ.

 

Cảm ơn các bác đã lắng nghe và chúc các bác một ngày yên lành.

19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bị Thiệt Thòi

Comments


bottom of page