top of page
CSS Staff Writers

Nghìn Năm Trong Khoảnh Khắc Thời Gian

Đã cập nhật: 2 thg 10



Trong chuyến du lịch hành hương vừa qua tại Hy Lạp, Thầy cùng với 80 thành viên của Hội Từ Bi Phụng Sự (TBPS) đã đến viếng thăm The Parthenon, một ngôi đền nổi tiếng ở trên đỉnh cao của thành phố Acropolis of Athens. Đây là một thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất của Hy Lạp vào thời cổ đại, được xây dựng vào khoảng 447 cho đến 432 B.C. (Before Christ).

Rất nhiều du khách đã và đang đến thăm nơi này, nhiều người ôm ấp một tâm trạng sẽ được chứng kiến một công trình tuyệt vời của người xưa đến cả mấy ngàn năm trước mà bây giờ và về sau nữa, biết có còn những tuyệt tác được xây dựng đẹp như thế nữa không? Thầy là một trong số những người mang tâm trạng này.

 

Nhưng, đây là câu chuyện 2500 năm mà bây giờ chỉ thấy được một giây thôi, như một slide của cuộn phim dài. Cuộn phim dài đó ví như cái khung thời gian dài 30 giây. Mình cắt ra một khúc cho vào khung thời gian chỉ có 1 giây thôi và tưởng tượng: Trời ơi! Tôi biết nơi này, tôi đã tới thăm chỗ này. Thực sự đâu phải vậy bởi vì chỉ thấy một khung trơ trọi chứ không thấy gì nhiều hơn nữa!

Ba ngàn năm trước đâu có chuyện hoang phế như thế này. Không có! Không hề có nhưng mà mình cứ nghĩ: Ô! bây giờ mình thăm Acropolis, thăm chỗ này, chỗ kia, nghe nói, tưởng vĩ đại lắm nhưng thật sự có thấy gì đâu, chỉ thăm một cái frame thôi mà lịch sử của nó rất dài, rồi trầm trồ: Ồ, đẹp quá và khen đủ thứ nhưng đó chỉ là cái khung thôi, chẳng biết 3000 năm trước nó ra sao hay 3000 năm sau nữa nó sẽ như thế nào? Không biết! Cho nên, mình hoàn toàn ở trong ảo tưởng (illusion), nghĩ rằng mình đến thăm nơi này và hiểu biết đủ thứ cả mà thực ra là không hiểu biết.

 

Chúng ta thử đem câu chuyện đó ứng dụng cho đời mình. Ví dụ thấy một bác đang ngồi thiền mà chốc chốc lại mở giỏ lấy món này món kia ra, cất món nọ vô, đồ đạc để lung tung. Khi đi thì tay luôn giữ chặt túi sách vì sợ mất đồ nhưng mở ra thấy nhiều bao nhựa chứ không thấy tiền bạc. Mình chỉ thấy cái frame là một hình ảnh của bác này như vậy chứ mình không hiểu được đời bác này trước đó làm gì, sau này sẽ làm gì hoặc không hiểu vài trăm năm trước, hay vài trăm năm sau đời bác sẽ như thế nào, mình không hề hiểu, chỉ biết bác ấy của ngày hôm nay thôi.

 

Cho nên, đạo bồ tát trong Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: Phải thấy người ta trong câu chuyện dài đằng đẵng như vậy, thấy mọi khía cạnh, thấy nhân, thấy quả, thấy duyên, thấy tất cả mọi chuyện. Nhưng tư tưởng đó bị xoá mất bởi tư tưởng của các học giả trong Thời Đại Mới (New Age) cho rằng: Bây giờ hãy sống trong hiện tại, sống trong giây phút này và biết giây phút này thôi. Tư tưởng ‘sống trong giây phút này, và biết giây phút này thôi’ đã phá tan đi bức tranh toàn diện của vũ trụ. Nói cách khác: Không hề thấy vũ trụ trong bức tranh toàn diện được bởi vì chỉ nghĩ sống trong bức tranh hiện tại mà thôi.

 

Trong khi đó, Thiền định tam muội là gì? Nghĩa là sống trong giây phút hiện tại và sống trong giây phút ra ngoài khung thời gian. Sống trong hai chỗ: ngay trong hiện tại và ra ngoài không gian lẫn thời gian thì lúc đó mới gọi là sống được toàn diện, biết được toàn diện. Trái lại, quan niệm của Thời Đại Mới (New Age) chỉ tới được có một chỗ: Ô! sống hiện tại thôi. Sống như vậy rất dễ vì chỉ chú ý tới hiện tại nhưng làm sao ra khỏi hiện tại để thấy toàn triệt vũ trụ thì đó mới là Phật giáo.

 

Cho nên, khi tới đây, bất quá mình chỉ xem được cái khung rất là ngắn của một phần triệu giây trong khoảng sống vô cùng vô tận của Acropolis này. Không biết ngày xưa người ta đi lên trên đỉnh núi cao ra sao, người ta đánh nhau như thế nào, đẫm máu chết chóc làm sao, sinh sống cách gì, người ta trồng cây này bằng cách nào, làm sao người ta đem đồ lên xuống? Không hề biết. Mình tới, mình thấy, rồi đi. Đi viếng cảnh như vậy đúng là “tẩu mã khán hoa” (cưỡi ngựa xem bông), có xem đó nhưng không biết gì và không hiểu mấy. Vì thế, nên hết sức khiêm nhường, biết rằng trước mình đã có không biết bao nhiêu người xây dựng và sau này sẽ có nhiều người tiếp tục xây dựng.



Tại sao xây dựng? Bởi vì có người phá huỷ.


Sống và chết liên tục, dòng sinh tử nối tiếp không ngừng, đó là lý do tại sao mỗi khi tới đâu, mình cũng nên cảm nghiệm hết tất cả quá trình. Điều trước tiên là chúng ta đi chung với nhau, có dịp chuyện trò nên rất vui tại vì có khi cả đời chưa bao giờ đi chơi với nhau như thế này. Sau nữa, nhiều khi cây cối và cả vùng đất này cũng cần tình thương và sự quan hoài của chúng ta.

 

Đền Parthenon đã hiện hữu gần 3000 năm, dù hôm nay không còn nguyên vẹn kiến trúc như lúc ban đầu, rồi thêm 3000 năm sau cũng chỉ gặp chúng ta có một lần thôi. Vậy mà mình nhìn nó giống như “người tình không chân dung” bởi vì mình vô tình, chẳng chút để tâm. Thành ra, khi đi tới đây, chúng ta nên trì một câu chú hoặc tụng một bài kệ.

 

Cuối cùng, phái đoàn Từ Bi Phụng Sự chúng ta đã cùng đọc một bài Chú Đại Bi gởi theo tình thương cho cây cối và chúng sanh trước khi giã biệt chốn này.

109 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page