Mục đích của chuyến hành hương này là để vừa học, vừa tu, tu làm sao để đem lợi ích cho chúng sinh trong vùng.
Học là liên tục bồi đắp thêm kiến thức và sau nữa là đào sâu tâm linh. Kiến thức và tâm linh đi đôi với nhau. Người siêng năng tu tập thường muốn được kiến thức rộng rãi hơn và tâm linh sâu thẳm hơn.
Sự ham học cũng là vì hiếu kỳ. Cho nên, nếu ham chơi, các bác sẽ nghĩ rằng mình đi chơi để biết địa danh này, tuyệt tác kia (đã đi qua chỗ đó và đã thể nghiệm qua việc gì đó) nhưng khi về nhà, một hai ba năm sau sẽ không còn nhớ gì, không còn một ấn tượng gì sâu sắc. Rồi mình chỉ còn nhớ ăn uống món này ngon món kia dở, đến tiệm nào ăn món gì. Những điều đó không thực tế trong sự phát triển của con người và tâm linh. Như thế, sự hiếu kỳ làm cho chúng ta có thể tiến bộ và học hỏi những cái đẹp.
Hãy đặt câu hỏi là: Tại sao vậy? Tại sao có chuyện này, có vật kia? Trong chuyến đi này, một cách làm cho mình có thể đào sâu được kiến thức và tâm linh bằng cách đặt câu hỏi ví dụ như: Tại sao mà có những vị thần? Ai đã xây những kiến trúc này? Tại sao họ xây địa điểm kia? Họ xây để làm gì? Tại sao họ có vậy? Tại sao bây giờ họ không còn những công trình kiến trúc như thế nữa? Tên Acropolis có nghĩa là gì?
Thông thường, khi hiếu kỳ như vậy thì nên đặt các câu hỏi và dùng phone hay cuốn sổ nhỏ ghi lại vài chữ để nhớ rồi về suy nghĩ thêm. Tánh hiếu kỳ rất quan trọng. Nếu một người không có óc hiếu kỳ gì cả, chỉ đi để chụp hình cho vui thôi, niềm vui rồi sẽ qua đi. Nhưng nếu trong chuyến đi, mình vừa học, vừa tu, mà lại vừa có thể giải trí nữa, thì càng hay và thêm hữu ích, phải không các bác?
Xin mời vào xem 2 video chương trình Khai Tâm giải thích về Phủ Đồng Thế Gian Tam Muội để biết thêm chi tiết:
Tu luyện thì chúng ta có những phương pháp tu chung với nhau. Trong 42 thủ nhãn có pháp Bồ đào thủ nhãn là phương pháp tu để có thể đem lại lợi ích cho tất cả những người có duyên. Bồ đào giống như chùm nho. Nho là một loại quả mọng đã có lâu xưa nhất trên trái đất này cả mấy chục ngàn năm nay, và là vật ích lợi cho nhân quần, từ vỏ nho, quả nho, hạt nho, lá nho, rễ cây nho đều sử dụng được.
Hy Lạp thì nổi tiếng và nhiều nhất là olive. Tại sao vậy? Vì bà Thần trí huệ Athena (Athena goddess) đồng thời cũng là vị chủ thần của thành phố Athens. Bà là người trồng cây olive trên đỉnh núi Acropolis. Điều thú vị là olive cũng tương tự như nho, cũng đem lại lợi ích cho mọi người.
Chúng ta lại tu pháp Bạt Chiết La. Khi tới những nơi mới lạ, chúng ta sẽ tự nhiên thay đổi cái nhìn. Khi thay đổi cái nhìn, nếu biết tu pháp Bạt Chiết La, chúng ta sẽ đồng thời thay dổi từ trường tâm thức may chóng hơn và nâng cao tầng nhìn.
Có người nói với thầy: “Thưa Thầy, con đi chơi với gia đình là con đi nhập thế.” Thật sự không phải là nhập thế, sợ là đọa thế nữa! Ý nghĩa của hai chữ Nhập Thế là mình đi vào trần gian và giúp người nào đó. Thí dụ như đi với gia đình nhưng mình giúp họ hiểu được việc này điều kia hoặc là hiểu đạo thì đó là Nhập Thế. Nhập Thế rất hay bởi vì không có nhập thế thì chúng ta không thể nào có thể tu Xuất Tục được.
Tinh thần quan trọng nhất trong một cuộc hành hương là tinh thần proactive (tạm dịch là chủ động) và hài hoà.
Proactive có nghĩa là không nên có thái độ tiêu cực, luôn nhìn lỗi, hay tìm lỗi hoặc luôn so sánh. Nếu nói Hy Lạp cảnh không đẹp bằng bên Ý, thức ăn không ngon bằng Pháp, chỗ ở không tốt bằng bên Đức, v.v… Suy nghĩ hay nói như vậy rất tiêu cực, và đi đâu cũng sẽ bị kẹt trong sự so sánh, có tâm thái là một nạn nhân, bị bó buộc, khó chịu, không thể thưởng thức được điều hay, cái đẹp của chuyến đi.
Proactive còn được hiểu là có khả năng dự đoán điều gì có thể xẩy ra và đón nhận những diễn biến bất ngờ mà không sinh ra tâm thái tiêu cực.
Năm Thầy 20 tuổi, sư phụ thường dạy là lúc nào cũng có kế hoạch rõ ràng nhưng nên nhớ là kế hoạch không bằng biến hoá nghĩa là lúc nào chúng ta cũng cần bàn luận, thu xếp kế hoạch cho kỹ nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng biến hoá. Khi gặp chuyện bất ngờ thì không nên phản ứng tiêu cực, trách ‘tại sao không làm như thế này thế kia khiến cho sự việc xảy ra như vậy, tại sao không nghe theo mình thì sẽ tránh được việc vừa xảy đến, v.v…’
Khi gặp chuyện, phải nghĩ cách làm sao biến hoá chứ không kẹt trong những dự tính trước. Trình độ tâm thức của mỗi người khác nhau nên có người càng biến hoá càng bị kẹt vì lòng người đó ích kỷ tự lợi. Cho nên, biến hoá mà không nghĩ phần lợi cho mình mà nghĩ cho tập thể, nghĩ lợi cho người khác thì cao cả hơn.
Nếu mình có cảm giác tức giận, lẫy hờn thì nên buông xả những tâm thái đó, không nên vì lẫy, tức, giận đó mà biến hoá thì sẽ sinh ra hoạ. Họa là tai nạn, là chuyện không tốt, dần dần không ai muốn chơi với mình và khiến mình không vui được nữa. Cho nên, kế hoạch thì không bằng biến hoá mà biến hoá thì chớ biến hoạ.
Tinh thần proactive là lúc nào cũng lạc quan, đoán thấy trước sự việc có thể xảy ra và ứng biến một cách lẹ làng và hãy làm cho người khác cũng ứng biến với mình một cách nhẹ nhàng hơn.
Hay hơn nữa, proactive là làm sao thay đổi người khác bằng tâm thành của mình. Trong chuyến đi, không trách cứ, muốn kéo người ta phải theo mình hoặc làm giống mình thì họ không thích.
Proactive còn bao hàm ý nghĩa là trong những khoảng thời gian khác, chúng ta có thể nói chuyện hay, đẹp, khen ngợi, khuyến khích những người bạn đồng hành nào đó để sau vài ngày thì chúng ta mới có thể ảnh hưởng lên tâm người và giúp người thay đổi. Sự thay đổi đó là do mình thành tâm, lạc quan và hết sức cố gắng tiếp cận người chứ không đối xử như là người trên mắng người dưới, hay là gặp chuyện bất ngờ thì giận, lẫy, tức tối thì sẽ biến hoạ thay vì biến hoá.
Tóm lại, tinh thần cần có:
Lạc quan, proactive, mở tâm và biến hoá tuỳ theo hoàn cảnh mà diễn biến nếu sự việc xảy ra không đúng như kế hoạch đã dự định.
Comments