Series bài giảng về Năm Chiêu Cảm
Trong nhà Phật thường hay nói về một chuyện, là chúng ta, thường hay chiêu cảm. Tâm ta như thế nào thì sẽ chiêu cảm những chuyện bên ngoài như thế ấy. Đối với người tu đạo bồ tát, có năm chuyện thông thường nhất sẽ bị chiêu cảm mà mình phải cẩn thận.
Năm chiêu cảm này, không phải từ trong tâm mà thôi mà còn từ trong thân. Trong thân là khi ngũ tạng (tim, gan, tỳ, phổi, thận) bị âm, tức là không khỏe, thì thường chiêu cảm nhiều chuyện không tốt (âm) từ ngoài tới, như là cảm nhận bị thiệt thòi, bị ghen tuông, đố kỵ, bị hiểu lầm, bi thị phi, bị hãm hại.
Bây giờ thầy nói về đặc tánh đầu tiên: ‘bị thiệt thòi’.
Về phương diện tâm lý và tâm linh, khi âm thổ trong người mình quá mạnh, thì dễ chiêu cảm bị thiệt thòi.
Bị thiệt thòi là cảm nhận lúc nào mình cũng bị đối xử không công bằng, bị đạp xuống đất. Trong quan hệ người với người, cảm thấy bị người ta khinh thường. Ví dụ như trong nhà bác có 8 đứa con mà bác chỉ thương có đứa thứ nhất, thứ nhì hoặc là cưng đứa chót thôi. Đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm... biết rất rõ không được cha mẹ thương bằng đứa đầu hoặc đứa cuối. Cho nên họ cảm thấy uất ức, bị thiệt thòi.
Theo triết lý ngũ hành, sở dĩ mình cảm thấy bị đối xử không công bằng, cảm thấy bị thiệt thòi là vì tánh âm thổ (tỳ) trong người quá mạnh, làm cho mình cảm thấy cần được công bằng, cần được người ta khen, cần được nâng lên. Tỳ không khỏe, âm thổ quá mạnh làm cho mình không cảm thấy nhẹ nhàng, bình đẳng được.
Vì thế, mình nên thay đổi quan điểm.
- Đầu tiên, đừng nghĩ rằng, mình phải cần được khen, cần được công bằng. Trong xã hội thì đúng, nhưng trong quan hệ giữa mình với người, mình và bạn bè, mình và cha mẹ, anh em, con cái, còn có tình thương, nhiều khi mình thấy người này đối xử hơi ưu đãi với người kia hơn một chút thì cũng đừng phân bì, đừng tức giận, đòi được thương đồng đều.
- Nên khiêm nhường, tùy hỉ công đức, tùy hỉ với chuyện người ta làm. Nên mở lòng với chính mình, mở lòng cho người ta cảm thấy sung sướng. Lúc vô ngồi ăn: 'Ô, tại sao tôi không được ăn, tại sao không ai chú ý tới tôi cả, tại sao tên tôi không được ai kêu, tại sao không bao giờ thầy khen tôi cả, tại sao không ai…’, như vậy hoài thì tạo thành âm khí trong người. Âm khí vào tỳ, hại tỳ. Khi tỳ bị âm thì chiêu cảm những chuyện không công bằng hay bị thiệt thòi.
Công bằng, công lý trong xã hội là một chuyện, còn chuyện cảm nhận mình bị đạp xuống đất là do hệ thống tỳ (lá lách, lá mía) của mình không khỏe mạnh. Nó khỏe mạnh thì mình không nghĩ tới bị thiệt thòi, lúc nào mình cũng mỉm cười ung dung cả, chẳng bao giờ khó khăn với người này, người kia. Nhiều khi, đi xe, người ta cũng dành nhau chỗ ngồi. Thầy lái xe, khách của thầy dành nhau lên ngồi phía trên với thầy, không hiểu tại sao. Thì ra vì cái tỳ của họ không tốt, họ nhất định đòi lên ngồi trên để có sự chú ý.
Đến khi thầy giảng bài, có người nhất định phải ngồi ngay chỗ đầu tiên, để chi vậy? - để có sự chú ý (vì tỳ không tốt). Mình sợ không được chú ý nên muốn ngồi trên ngọn núi. Có người thì khác, cũng vì cái tỳ không tốt nên ngồi xa xa, lẻ loi, không ai chú ý tới vì cảm thấy ‘lúc nào tôi cũng ở trong bóng tối, không cần ánh sáng vì không ai chú ý tới tôi đâu’. Mình tủi thân nên nhốt mình dưới lòng đất. Mặt đất thì có đồi, có thung lũng, có lên, có xuống. Vì vậy, chúng ta nên vui vẻ chấp nhận tất cả.
Hãy tùy duyên và sống một cách nhẹ nhàng, không có gì phải tức tối với chuyện mình không được trồi lên, cũng không cần phân bì, so đo với người khác. Bị thiệt thòi là bị người ta chơi, cho mình ngồi xa, đạp mình xuống đất, nói những câu rõ ràng là không công bằng. Nếu bị người khác đối xử không mấy tốt thì mình cũng nhẹ nhàng thôi, không cần phải tranh, đòi cho được người ta thương mình. Ở đời, những cái đó chỉ làm cho mình thêm âm thôi chứ không thêm dương. Mỉm cười thì sẽ chiêu cảm dương khí, chiêu cảm những cảnh tốt tới lại, sẽ thấy người ta đối xử với mình khác đi.
Trên con đường bồ tát, không nên lúc nào cũng phải tranh đấu, tranh dành với ai cả. Đạo thì không tranh, chỉ có Đời thì lúc nào cũng tranh.
Commentaires